Chuyển nhầm tiền lương 2 lần vì mất trí nhớ
Tan Wing Kin, Giám đốc điều hành Trung tâm Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu của Bệnh viện Đa khoa Min Seng (Đài Loan, Trung Quốc), cho biết trên trang cá nhân rằng trí nhớ kém có thể do quá mệt mỏi, ngủ không đủ giấc hoặc thiếu phức hợp vitamin B. Ông kể về trường hợp một người đàn ông 30 tuổi được vợ đưa đến phòng khám ngoại trú để khám vì bị viêm tụy cấp. Người vợ hỏi bác sĩ: “Viêm tụy có ảnh hưởng đến não không?”.
Câu hỏi này khiến bác sĩ bối rối. Người vợ sau đó nói rằng mỗi lần chị nhờ chồng mua gì thì anh đều quên sạch. Sự việc nghiêm trọng hơn khi liên quan đến công việc và tài chính. Anh là quản đốc xây dựng nên có trách nhiệm trả lương cho công nhân hàng tháng. Nhưng một lần, vì không nhớ mình đã chi khoản này rồi, anh trả tới 2 lần tiền lương. Mọi việc chỉ được phát hiện khi người vợ nhận ra số tiền trong tài khoản dùng chung của mình và chồng bị thâm hụt rất nhiều. Khi tra soát lại và hỏi chồng, chị nhận ra trong tháng đó anh đã chi lương 2 lần cho mỗi công nhân.
Bác sĩ Chen Rongjian, người trực tiếp điều trị cho nam bệnh nhân trên cho biết, khi còn trẻ như vậy, người đàn ông này đã bị mất trí nhớ nghiêm trọng. Sau khi tìm hiểu thói quen của bệnh nhân, ông nhận thấy anh này thường xuyên phải giao lưu nhậu nhẹt, nghiện thuốc lá, rượu nặng. Bác sĩ đã chỉ định cho người bệnh đi xét nghiệm máu để xác định hàm lượng nhóm vitamin B trong cơ thể. Kết quả cho thấy nồng độ B12 của người bình thường là khoảng 300-400 pg/ml, nhưng của người đàn ông này chỉ khoảng 50 pg/ml.
Bác sĩ cho biết, phức hợp B của cơ thể vốn rất dễ bị mất đi, đặc biệt là ở những người thường xuyên thức khuya, hút thuốc, uống rượu và các hành vi thiếu lành mạnh khác. Sau khi giúp người đàn ông bổ sung B12 và theo dõi cho tới khi bệnh nhân có lượng chất này trở về bình thường, ổn định, bác sĩ nhận thấy trí nhớ và phản ứng của anh đã tiến bộ rất nhiều.
Theo bác sĩ, B12 là chất dinh dưỡng không thể thiếu cho quá trình tạo máu và duy trì hệ thần kinh của con người. Các triệu chứng thiếu hụt có thể bao gồm thiếu máu, khó chịu ở đường tiêu hóa, các biểu hiện liên quan đến hệ thần kinh và thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ…
Những điều gây tổn thương não nhiều người không biết
Nhiều người mắc phải những thói quen lâu dài gây hại cho não bộ, thậm chí liên quan đến chứng sa sút trí tuệ.
Thiếu ngủ
Thiếu ngủ liên quan đến chứng sa sút trí tuệ và làm giảm hiệu quả làm việc. Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, trí nhớ và tâm trạng. Các vấn đề về giấc ngủ có thể làm tăng lượng amyloid trong não.
Không tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng kích thước hồi hải mã, vùng não liên quan đến học tập và ghi nhớ. Tập luyện thể dục cường độ cao giúp máu lưu thông đến não, ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ.
Chế độ ăn không lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp bảo vệ não khỏi stress oxy hóa. Nên ăn các thực phẩm tốt cho não như cá hồi, chocolate đen, quả mọng, các loại hạt, trứng. Chế độ ăn phương Tây với thực phẩm chế biến sẵn có liên quan đến trầm cảm cao hơn.
Nghe nhạc lớn
Nghe nhạc lớn gây hại cho màng nhĩ và liên quan đến chứng mất trí. Mất thính lực có thể làm tăng tốc độ teo não và góp phần vào sự cô lập xã hội. Nên nghe nhạc không quá 60% âm lượng tối đa và nghỉ giải lao ít nhất năm phút mỗi giờ.
Cô đơn
Cô đơn, cảm thấy cô lập với thế giới có thể dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức và bệnh Alzheimer. Nghiên cứu của Trường Y Harvard cho thấy người cô đơn có mức amyloid trong vỏ não cao gấp 7,5 lần người bình thường, là dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ. Nghiên cứu từ Cao đẳng King London cũng cho thấy người đơn độc dễ mệt mỏi và khó tập trung hơn.
Theo Yên Minh (Phụ Nữ & Pháp Luật)