Mẹ tôi mắc suy thận đến giờ là hơn 6 năm rồi. Tuần nào mẹ cũng đi chạy thận, may mà bà kiếm ra tiền nên không phải lo nghĩ viện phí.
Tôi thương mẹ vô cùng vì bà làm việc đến kiệt sức nên mới mắc bệnh. Sức khỏe giảm sút, tinh thần ảnh hưởng khiến mẹ tôi lúc nào cũng ủ rũ, gầy rộc đi, sút hơn 20kg liền.
Tôi lấy chồng ra riêng cách đây 4 năm rồi. Ban đầu vợ chồng tôi ở nhà thuê, nhưng sau mấy năm nỗ lực tích cóp thì chúng tôi cũng mua được một căn chung cư nho nhỏ. Mẹ cho tôi một khoản 200 triệu nói là tặng cho cháu, nhưng tôi biết thừa là mẹ muốn phụ con gái tiền trả góp ngân hàng. Trong lòng tôi cảm thấy bứt rứt lắm, mẹ bị bệnh đã không giúp đỡ được gì rồi mà còn để mẹ phải lo thêm.
Riêng chị gái tôi thì có vẻ không quan tâm đến bệnh tình của mẹ mấy. Chị ấy học không giỏi nên tốt nghiệp cấp 3 xong tự mở quán nước, bán trà chanh ăn vặt gần nhà. Trước chị từng kết hôn nhưng chồng chị ăn chơi phá phách quá, nợ nần khắp nơi nên họ bỏ nhau khi chưa sinh được đứa con nào. Chị về ăn bám bố mẹ, bán nước chẳng được bao nhiêu lại còn thêm cái tật lô đề.
Mẹ tôi hơn 50 tuổi vẫn vất vả vừa đi làm kiếm tiền chữa bệnh, vừa trả nợ vay lãi cho con gái lớn mỗi tuần. Tôi khuyên can chị gái cả nghìn lần rồi mà bà ấy chẳng chịu thay đổi cách sống. Vợ chồng tôi cho chị vay số tiền lên đến hơn trăm triệu rồi mà chưa đòi được xu nào cả. Cứ hôm trước trả được vài triệu thì hôm sau chị vay lại gấp đôi, kêu là “đi đóng họ” để rút ra một cục nhưng toàn thấy cục nợ chứ chẳng thấy lãi.
Quanh đi quẩn lại bao năm giờ gia đình tôi như một mớ bòng bong. Nhà người ta họp mặt đông đủ thì vui, nhà tôi họp lại với nhau thì như cái chợ vỡ. Chủ đề mâu thuẫn lúc nào cũng xoay quanh tiền bạc. Tôi với mẹ một phe còn bố và chị gái một phe.
Trong khi mẹ con tôi sống kiểu không thích nợ nần ai, luôn lao tâm khổ tứ vì gia đình thì bố với chị gái ai cũng có tật xấu, toàn đem tiền của nhà đi biếu không thiên hạ. Dù nhà tôi không nghèo nhưng chẳng dư dả xu nào hết. Có cái nhà cũ 3 tầng mà 20 năm không xây sửa nổi vì có bao nhiêu là tiêu hết sạch. Mẹ tôi có của riêng còn phải mang sang nhà tôi giấu, bởi hở ra dù chỉ vài trăm nghìn cũng mất ngay.
Biết nói xấu người thân thì chả có gì hay ho nhưng giờ phút này thực sự tôi không nhịn nổi nữa. 10 ngày trước bệnh của mẹ tôi đột ngột trở nặng, bà phải nhập viện cấp cứu và bác sĩ nói phải mổ thay thận ngay. Tôi tình nguyện hiến thận cho mẹ không suy nghĩ. Bà từng phản đối gay gắt chuyện này trước đây nên tôi phải dặn bác sĩ nói dối rằng lần này có người khác hiến tạng.
Thế nhưng sóng gió lại ập đến đúng hôm bác sĩ báo lịch mổ. Khi tôi về lấy đồ đạc mang vào viện cho mẹ thì phát hiện phòng của bà bị lục tung lên. Gọi cho mẹ báo tin thì mẹ hốt hoảng nhắc tôi kiểm tra bọc tiền hàng bà giấu trong tủ quần áo. Hôm trước bên mối trả tiền hàng, mẹ đột ngột đi cấp cứu nên chưa kịp đem gửi vào sổ tiết kiệm.
Tôi bới khắp nơi trong phòng ngủ của mẹ mà không thấy xu nào hết. Đến 600 nghìn tiền lẻ trong ví của mẹ cũng bốc hơi. Tôi lờ mờ đoán ra được “thủ phạm” là ai nhưng không có bằng chứng nên đành im lặng. Lúc vào viện báo tin cho mẹ thì bà bật khóc. Bà thều thào nói bọc tiền bị mất là gần 200 triệu, cầm số tiền ấy tôi có thể đóng viện phí ngay.
Vợ chồng tôi thu nhập mỗi tháng chỉ có hơn 40 triệu. Trừ tất cả chi phí sinh hoạt cố định và nợ trả góp ngân hàng thì chỉ còn hơn 10 triệu, đóng học cho con rồi ăn uống hàng ngày cũng chả dư được đồng nào. Giờ muốn nộp tiền phẫu thuật cho mẹ ngay thì vợ chồng tôi không có. Chỗ vàng với sổ tiết kiệm mẹ gửi nhờ trong két ở nhà tôi thì mẹ nhất quyết không cho quy đổi ra tiền mặt. Bà bảo phải giữ nguyên đấy sau còn để dành cho con cháu.
Lực bất tòng tâm nên tôi đành nói chuyện với bố, bảo rằng chị gái đã ôm tiền của mẹ đi mất tích rồi. Tôi cần đòi lại khoản tiền ấy ngay để đóng viện phí. Gọi điện cho chị gái thì bà ấy tắt máy, hỏi thăm bạn bè thì không ai biết chị ấy ở đâu.
Tôi vừa tức giận vừa lo lắng nên cả tuần nay không ngủ được. Ngày nào tôi cũng cãi nhau với bố vì cả ông lẫn chị gái đều thờ ơ, có mỗi vợ chồng tôi với dì ruột thay phiên nhau chăm mẹ trong viện. Bác sĩ thì nhắc nhở tình hình của mẹ không được khả quan, nên phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Mấy ngày trôi qua tôi không đợi được nữa nên quyết định sẽ bán xe và ít trang sức đi để lấy tiền cho mẹ phẫu thuật. Thiếu đâu thì tôi vay mượn thêm. Mẹ có bảo hiểm nên cũng đỡ một phần, may mà chi phí ca mổ chỉ vài trăm triệu chứ tiền tỷ thì tôi chịu.
Sau khi tính toán việc của mẹ xong thì tự dưng chị gái gọi về cho tôi. Chị bảo tiền của mẹ đem trả nợ hết rồi, giờ bên vay nặng lãi đòi thêm 100 triệu nữa. Máu nóng bốc lên đỉnh đầu, tôi mắng chị không nể nang cái gì nữa, có bao nhiêu bức xúc trong lòng đều trút hết ra.
Tưởng chị mình sẽ xấu hổ mà xin lỗi. Nhưng không, chị ấy quay sang cáu ngược lại tôi, chửi tôi là loại em út “máu lạnh” tệ bạc! Đã không hỏi thăm mẹ câu nào thì thôi còn bào tiền em gái đến mức vậy nữa. Nghĩ dại nếu giờ mẹ không còn trên đời thì chị tôi có biết đường về dự tang mẹ không nhỉ?
Chắc chị mách bố nên một lúc sau khi tôi đang bón cháo cho mẹ ăn thì bố gọi. Định không nghe máy nhưng mẹ bảo tôi cứ mở lên xem có chuyện gì. Y như tôi suy đoán, bố trách tôi sao không giúp đỡ chị mình. Tôi bảo rằng giờ một mình mình xoay xở tiền nong đến kiệt quệ, bố với chị không góp xu nào thì đừng làm phiền đến tôi nữa. Ai dè bố bảo vẫn còn cách. Và cách đó là… khuyên tôi bán nhà mình đi.
Mẹ tôi nghe câu ấy xong thì nghẹn cả cổ. Bà tức đến phát khóc, lắp bắp chửi chồng là “vô liêm sỉ”. Tôi cạn lời nên tắt máy luôn, chẳng muốn tiếp chuyện bố với chị thêm lần nào nữa.
Sống một đời hy sinh cho gia đình mà giờ phút này nằm liệt giường mẹ tôi vẫn không được một giây sung sướng. Hết chồng “báo” tới con gái “báo”. Mẹ quyết định lập luôn di chúc trước khi phẫu thuật. Bà để hết tiền vàng tài sản cho vợ chồng tôi và không cho chồng với con gái lớn xu nào cả.
Tôi dặn chồng không được nói với bố và chị chuyện tôi hiến thận cho mẹ ghép. Trong lúc mẹ con tôi nằm viện thì anh gửi con về quê cho ông bà nội chăm sóc giúp, còn bao nhiêu tiền trong người tôi cũng gửi gắm cho chồng cả. Giờ chỉ còn anh là người duy nhất mẹ con tôi tin tưởng thôi. Nghĩ đến 2 thành viên máu mủ ruột thịt còn lại trong gia đình mà tôi đau xót. Tại sao họ lại có thể sống bạc hơn người dưng nước lã như vậy cơ chứ…
Theo Tiểu Ngạn (Phụ Nữ Việt Nam)