Nằm trên giường bệnh với gói xôi còn ăn dở, Nguyễn Lợi Minh (30 tuổi, ở Nam Định) trùm chăn kín đầu như để giấu đi những con đau đang dày vò cơ thể. Suốt 3 năm nay, cứ đều đặn 3 lần/tuần, Lợi Minh lại một mình tới khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Thanh Nhàn) để chạy thận, kể cả những ngày lễ Tết.
Chỉ vào những nốt u cục trên tay, Minh tâm sự: “Bênh tật đã tàn phá cơ thể em, lấy hết những gì em có. Nhưng em cũng chỉ biết tự trách mình, vì chủ quan và ham kiếm tiền khi còn trẻ nên giờ em phải chạy thận suốt đời”.
Lợi Minh từng là sinh viên trường Đại học Kiến Trúc. Sau khi tốt nghiệp, anh cầm hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng vì lương quá thấp nên Minh không theo nghề. Thời điểm đó, các dịch vụ giao hàng nhanh đang phát triển như vũ bão và Minh cũng đăng ký làm nhân viên giao hàng nhanh.
“Nói chẳng ai tin, nhưng ngày đó em đi làm suốt ngày đêm, chỉ ngủ vài tiếng/ngày. Ngoài giao hàng, em còn cùng bạn vẽ hình xăm và xăm thẩm mỹ. Lúc đó mới chỉ hơn 20 tuổi mà em đã kiếm được 30-40 triệu/tháng. Riêng tháng Tết, tổng thu nhập được tới 60-70 triệu", Minh kể lại.
Nhưng vì quá tham công tiếc việc, sức khỏe của Minh nhanh chóng xuống dốc. Năm 2020 (khi đó 27 tuổi), sau vài năm đi làm shipper, Minh cảm thấy người mệt mỏi, buồn nôn và mặt phù lên, lúc đó ai cũng nói Minh phát tướng chứ không hề biết đó là biểu hiện của bệnh. Đến khi quá mệt mỏi, Minh đi khám và được chuyển nhiều viện khác nhau, thậm chí có lúc nguy kịch gần chết tại BV Bạch Mai và cuối cùng được chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối, phải lọc thận suốt đời hoặc thay thận nhân tạo.
“Khi vào viện để chạy thận, bác sĩ nhìn em rất ái ngại, thấy người xăm kín thì hỏi xem em có nghiện hút không? Nhưng quả thật, rượu bia em còn chẳng biết uống, chỉ biết lao đầu đi kiếm tiền mà không hiểu bệnh tật đến là do đâu. Sau bác sĩ mới phân tích, làm việc quá sức, ăn uống ngủ nghỉ không điều độ cũng là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới suy thận. Giờ có hối hận thì cũng đã quá muộn rồi”, Minh buồn rầu chia sẻ.
Trớ trêu thay, ngày Minh phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối cũng là lúc mẹ anh ở quê nhận tin bản thân bị suy thận phải lọc máu. Giờ đây, em trai Minh lên Hà Nội vừa đi làm vừa chăm anh, còn người mẹ chạy thận ở Nam Định và có bố chăm sóc.
“Khi khỏe thì bán sức khỏe để lấy tiền, giờ đây có bệnh tật thì tiền bạc bao nhiêu cũng chẳng thể mua được lại. Em vẫn phải đi giao hàng để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống nhưng không còn sức để làm như trước nữa. Em hy vọng các bạn trẻ hãy quan tâm tới sức khỏe của mình hơn, đừng vì tiền hay vì bất kể lý do gì mà coi nhẹ sức khỏe bản thân”, Minh nhắn nhủ.
BSCK II Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trong năm 2023 số lượng bệnh nhân trẻ bị suy thận phải lọc máu gia tăng đột biến so với những năm trước. Đáng nói, đa số các trường hợp đến đã ở giai đoạn muộn và không biết nguyên nhân. Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Lợi Minh ở trên là một ví dụ điển hình.
“Thói quen làm việc gắng sức, thức khuya, không có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý là yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến chức năng của thận. Tuy nhiên, do bệnh khi ở giai đoạn sớm thường có triệu chứng mơ hồ, kèm theo người trẻ có sức khỏe tốt nên chủ quan, không đi khám. Đến khi xuất hiện triệu chứng điển hình thì đã suy thận giai đoạn cuối”, bác sĩ Quốc cảnh báo.
Để phòng bệnh, mọi người cần thực hiện lối sống lành mạnh, đặc biệt những người trẻ tuổi cần có chế độ ăn cân bằng, uống đủ nước, không ăn mặn, hạn chế đồ ăn nhanh và lạm dụng thức uống có cồn, tránh hút thuốc lá. Nên tập thể dục đều đặn và uống thuốc kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Theo Lê Phương (Phụ nữ & Pháp luật)