Theo trang Sohu, năm 2020, Ngưu Trung Nam - nghiên cứu sinh tại Đại học Giao thông Tây An, Trung Quốc không may qua đời vì xuất huyết não.
Tuổi thơ vất vả nhưng rất hiếu học
Ngưu Trung Nam (SN 1996) sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Sơn Đông. Anh có một cậu em trai. Bố mẹ anh sống giản dị, quanh năm chỉ trông chờ vào vài sào ruộng.
Mặc dù gia đình thiếu thốn, nhưng bố mẹ Nam đều hiểu được tầm quan trọng của việc học. Họ đã làm việc rất chăm chỉ để cho 2 đứa con được học hành tử tế.
Từ nhỏ, Nam đã rất chăm chỉ học hành, luôn đứng đầu lớp và thường xuyên giúp đỡ bố mẹ làm việc đồng áng. Anh là tấm gương mà mọi người trong làng đều muốn con cái mình noi theo.
Thời gian trôi qua, Ngưu Trung Nam không chỉ đỗ vào một trường đại học xuất sắc, mà còn vào Đại học Giao thông Tây An với tư cách là nghiên cứu sinh.
Người dân trong làng hết lời khen ngợi: “Nhà có phước mới có đứa con trai ưu tú như vậy”. Bố mẹ anh nghe xong rất đỗi tự hào. Họ tin rằng sau khi học xong cao học, tương lai của con trai nhất định rất tươi sáng.
Ngoài ra, Ngưu Trung Nam còn nhận được nhiều học bổng ở trường và thường xuyên gửi tiền về nhà hỗ trợ gia đình.
Cuộc sống ở trường
Trong thời gian đi học, Ngưu Trung Nam không chỉ học tập xuất sắc, nhiều lần giành được học bổng còn luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Một lần, Nam đi thi ở một nơi khác. Bạn cùng phòng thí nghiệm phát hiện máy lọc nước đã hết nước. Một bạn khác nói: “Tôi biết chỗ lấy nước. Đây là máy lọc nước Nam mua đấy”.
Mọi người đều thắc mắc tại sao Ngưu Trung Nam lại làm điều này?
Bình thường trong phòng thí nghiệm không có bình nước nên mọi người phải tự mang theo nước.
Có người quên mang nước, khi làm việc không thể rời khỏi phòng, họ đành nhịn khát. Một ngày, phòng thí nghiệm có máy lọc nước mới. Bình nước luôn được thay thế kịp thời. Mọi người đều cho rằng, giáo viên đã mua.
Tuy nhiên, sau khi một người bạn tiết lộ Ngưu Trung Nam tự bỏ tiền túi ra mua, ai nấy đều rất ngạc nhiên. Mỗi khi nước trong bình sắp cạn, Nam đều im lặng đi thay nước, cũng chẳng bao giờ khoe khoang việc này cho bạn bè biết.
Khắt khe với chính mình
Mặc dù Nam quan tâm tới gia đình và bạn bè, nhưng lại rất khắt khe với bản thân. Để tiết kiệm, anh thường ăn bánh bao và uống nước lọc. Đôi lúc anh cảm thấy chóng mặt, nhưng luôn nghĩ là do mình quá mệt mà thôi.
Một lần, khi đang trong phòng thí nghiệm, Ngưu Trung Nam đột nhiên bị chóng mặt rồi ngất xỉu. Bạn cùng lớp nhanh chóng đưa anh tới bệnh viện cấp cứu nhưng không may sau nhiều ngày điều trị, anh đã qua đời.
Chẩn đoán của bác sĩ khiến tất cả mọi người đều sửng sốt: “Đây là bệnh do suy dinh dưỡng gây ra, hoặc có thể nói là do thường xuyên nhịn đói”.
Ngưu Trung Nam bẩm sinh đã có một mạch máu dị dạng trong não. Hằng ngày, anh chỉ ăn bánh bao dẫn tới cơ thể thiếu dinh dưỡng trầm trọng, cộng với việc thức khuya, làm việc quá sức, cuối cùng dẫn tới xuất huyết não.
Sau khi bạn cùng lớp biết được hoàn cảnh của gia đình Nam, mọi người xót xa khi không sớm phát hiện điều bất thường. Họ đứng ra quyên góp tiền.
Ngưu Trung Nam qua đời ở tuổi 24, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho tất cả mọi người. Trong giờ phút hấp hối, anh mong muốn được hiến nội tạng của mình để mang lại cơ hội sống cho những người cần.
Cái chết của Nam giống như một tia sét giáng xuống bố mẹ. Sau khi lo tang lễ cho con trai, người bố đến trường để sắp xếp đồ đạc. Khi mở tủ ra, ông chỉ tìm thấy vài bộ quần áo đã mua cách đây vài năm.
Sau đó, ông bất ngờ phát hiện ra 5 thẻ ngân hàng. Dù biết con trai mình không có nhiều tiền tiết kiệm, nhưng ông vẫn quyết định kiểm tra số dư trong thẻ của con. Kiểm tra xong, ông bật khóc.
2/5 thẻ ngân hàng của Ngưu Trung Nam trống rỗng, 3 thẻ còn lại chỉ có 22 tệ (khoảng 75 nghìn đồng).
Ông nghĩ tới số tiền con trai nói là tiền học bổng được gửi về nhà thường xuyên. Ngưu Trung Nam muốn bố mẹ sử dụng số tiền đó cho em trai ăn học. Ông luôn nghĩ con trai có cuộc sống tốt, không hề biết con mình thực ra rất khổ sở. Ông cảm thấy vô cùng đau lòng.
Vào đêm Nam qua đời, 2 vợ chồng ông đã ngồi trong bệnh viện suốt đêm. Sáng hôm sau, họ quyết định ký giấy hiến tạng của con trai. Họ biết được sự ra đi của con mình sẽ cứu được nhiều người. Đó cũng là cách tiếp nối cuộc sống của con trai trong cơ thể người khác.
Một tuần sau đó, thận và gan của Nam đã cứu sống được 3 bệnh nhân bị suy nội tạng giai đoạn cuối. Ở một nơi nào đó, những người này sẽ bắt đầu cuộc sống mới với một phần cơ thể của Ngưu Trung Nam.
Theo Phan Hằng (VietNamNet)