Trong cuộc sống, không phải cứ chăm chỉ làm việc là sẽ đạt được thứ mình muốn, bởi chỉ cố gắng thôi là chưa đủ. Trên thực tế, thông thường sẽ có 2 “nguyên tắc” quyết định sự thành bại của một người, đó là cái tâm và phương hướng hành động.
1. Phương hướng quan trọng hơn nỗ lực
Ở Trung Quốc, có một câu chuyện ngụ ngôn được nhiều người truyền tai:
Trong ngôi làng nọ có một người nông dân không những cần cù chăm chỉ mà còn không sợ khó khăn gian khổ, ngày ngày vác cuốc ra đồng làm ruộng. Nhưng đầu tắt mặt tối cả năm, đến mùa thu hoạch lại chẳng được bao nhiêu. Sau nhiều lần cố gắng mà mùa màng vẫn thất thu, người nông dân cuối cùng cũng cảm thấy tuyệt vọng và đi tìm hỏi một vị thiền sư trong vùng để hỏi lí do tại sao lương thực trồng trong ruộng nhà mình luôn có sản lượng kém. Vị sư già cũng phân vân và quyết định đi theo người nông dân ra mảnh ruộng để tìm ra nguyên nhân.
Khi đến ruộng của người này, vị sư ngay lập tức hiểu rõ vấn đề. Theo đó, mảnh ruộng này vốn nằm trong vùng đất đã bị nhiễm mặn, việc trồng lương thực ở đây rõ ràng là không khả thi.
Lúc này vị thiền sư mới ôn tồn giảng giải: “Bao năm qua, dù con cố gắng làm lụng bao nhiêu cũng không có được kết quả. Bởi vốn dĩ, sự chăm chỉ đó đã đặt sai chỗ. Cố chấp trồng lúa trên mảnh “đất mặn” chính là đang nỗ lực một cách mù quáng. Sự cần cù siêng năng ấy chỉ có thể đổi lấy sự thất vọng mà thôi.”
Nghe đến đây, anh nông dân hiểu ra vấn đề, rối rít cảm ơn vị sư rồi quay về.
Dù câu chuyện có nội dung vô cùng đơn giản nhưng ý nghĩa bên trong lại rất sâu sắc. Ông trời sẽ đền đáp cho những người chăm chỉ, nhưng trước tiên bạn phải biết được sự chăm chỉ của mình có phù hợp và đúng đắn hay không. Đây thực chất là tiền đề mà người ta thường nói: phương hướng quan trọng hơn nỗ lực.
2. Làm việc gì cũng nên xuất phát từ tâm
Thành ngữ Trung Quốc có câu “Mưu sự tại nhân”, nghĩa là yếu tố chủ chốt quyết định sự thành bại công việc là con người. Mọi nỗ lực cố gắng của một người cuối cùng đều sẽ để lại dấu ấn nào đó trên tọa độ cuộc đời. Đồ thị này không phải đường thẳng mà có điểm lên điểm xuống, tương ứng với những thăng trầm của cuộc sống.
Đến một thời điểm nào đó, con người ta luôn cần nhìn lại đường cong cuộc đời của mình để rút ra nhiều bài học. Mặc dù không bắt buộc phải tự suy ngẫm, đánh giá bản thân, nhưng ít nhất sau khi làm xong một việc gì đó, chúng ta cũng nên tổng kết lại kinh nghiệm và bài học của mình. Nếu không sẽ rất dễ rơi vào hoàn cảnh giống nhân vật chính trong câu chuyện sau đây.
Chuyện kể về một người nông dân trồng dưa có một ruộng dưa sắp chín. Anh ta chăm chỉ làm việc suốt cả năm trời chỉ chờ thêm một thời gian ngắn nữa sẽ được hưởng vụ mùa bội thu. Nhưng thật bất ngờ, một ngày nọ, một đàn chồn không biết từ đâu xuất hiện và bắt đầu ăn những quả dưa chín trong khi người trồng dưa đang ngủ mà không hề hay biết. Lúc tỉnh dậy và phát hiện thì đã quá muộn, cánh đồng dưa gần như bị phá hủy hoàn toàn. Người trồng dưa bật khóc rồi đến gặp vị thiền sư trong làng để kể lại câu chuyện của mình.
Nghe xong, vị sư già hỏi người nông dân: “Con có từng làm việc gì xúc phạm đến đàn chồn không?”
Người trồng dưa suy nghĩ một lúc, nhớ ra: “Năm ngoái con bắt được 2 con chồn nhỏ!”
Nhà sự liền nói: “Đó chính là lý do đấy! Con cần phải học cách sống tử tế trước rồi mới làm việc, có như vậy mới có thể mưu cầu thành công!”
Có thể thấy, mục đích những nỗ lực của chúng ta là đạt được thành tựu cho chính mình. Rõ ràng, điều này đòi hỏi phải hiểu rõ nguyên lý “muốn làm việc gì đó thì trước tiên phải học làm người”. Nhiều người muốn làm được việc mà bất chấp mọi thứ thì sớm muộn cũng phải nhận lấy hậu quả. Thành công đó có được một cách nhanh chóng về lâu dài sẽ không vững chắc, lâu bền.
Trên thực tế, bạn đối xử với thế giới như thế nào thì thế giới sẽ đối xử với bạn như thế. Chưa kể lòng người là thứ phức tạp nhất, bạn có chắc chắn liệu cả đời mình sẽ không gặp phải kiểu người “lấy oán báo ân”?
Nếu trước tiên bạn không học cách làm người tốt mà chỉ biết chăm chăm vào kết quả thì cuối cùng, thứ bạn nhận được thường là “một lũ chồn phá hoại ruộng dưa của bạn”. Vì vậy, trước tiên bạn phải học làm người, đứng vững trên đôi chân của chính mình, sau đó mới chăm chỉ làm việc, phải hiểu được trình tự “làm người” và “làm việc”.
Theo Ánh Lê (Phụ Nữ Số)