Đới Liễu, một cô gái đến từ thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc là một trong những học sinh ưu tú ở thời điểm năm 1999. Cô sinh ra trong một gia đình trí thức, cha là nhà báo và mẹ là giáo viên tiểu học.
Là con gái duy nhất trong gia đình, Đới Liễu từ nhỏ đã nhận được sự quan tâm và yêu cầu nghiêm khắc từ cha mẹ. Cha mẹ cô rất coi trọng việc học hành và hy vọng rằng con có tương lai xán lạn.
Cha của Đới Liễu đặt quá nhiều kỳ vọng vào con. Ông có niềm yêu thích đặc biệt với nghề luật. Ông tin rằng con đường này có thể mang lại triển vọng về việc làm cũng như địa vị xã hội. Nhưng ước mơ của Đới Liễu là được nhận vào Đại học Bắc Kinh. Cô đã xảy ra mâu thuẫn với cha mình về vấn đề này.
Tuy nhiên, trước ngày nộp hồ sơ, cha của Đới Liễu đã bí mật thay đổi nguyện vọng đầu tiên của con thành Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc. Sự thay đổi này đã làm tan vỡ giấc mơ của Đới Liễu. Cô cảm thấy vô cùng tức giận và thất vọng với cha mình.
Tuy nhiên, sau khi đăng ký phải đi học nên Đại Liễu cuối cùng cũng phải nghe theo cha, vào học tại trường Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc. Dẫu vậy, cô vẫn chưa hài lòng với lựa chọn này.
Kể từ khi nhập học, Đới Liễu hầu như không nói chuyện điện thoại với bố, cũng không về nhà trong kỳ nghỉ.
Sau một thời gian học tập, cô phát hiện bản thân không hề phù hợp với ngành luật. Vì vậy cô quyết định đưa ra lựa chọn liều lĩnh đó là rời khỏi sự kiểm soát của gia đình. Khi có cơ hội đi du học, cô chọn sẽ ra nước ngoài vì đó không chỉ là phương pháp đạt được tự do cá nhân mà còn là cách để thoát khỏi những rắc rối trong gia đình.
Vì vậy sau khi tốt nghiệp, Đới Liễu lựa chọn đi du học. Cô hoàn toàn giữ bí mật, chỉ báo tin cho bố mẹ trước khi ra nước ngoài. Chính vì sự việc này, mối quan hệ giữa cô và cha mẹ cô trở nên trầm trọng hơn. Kể từ đó, cô không trở về nhà trong suốt 24 năm.
Cuộc sống ở Hàn Quốc không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió đối với Đới Liễu, cô phải đối mặt với những thách thức về rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa. Tuy nhiên, bằng sự chăm chỉ và tài năng của bản thân, cô không chỉ hoàn thành xuất sắc việc học mà còn tìm được công việc ổn định ở nơi đất khách xứ người. Sau khi thích nghi với nhịp sống và thói quen ở Hàn Quốc, cô đã chọn định cư tại đây.
Khi kết hôn, cô gọi điện cho bố mẹ và báo tin vui về cuộc hôn nhân của mình. Điều này không làm tình hình giữa cô và gia đình dịu đi. Phải đến 24 năm sau, họ mới chính thức nối lại quan hệ. Khi đó, cô đang điều hành một nhà nghỉ nhỏ ở đảo Jeju và sống cuộc sống mà cô hằng mong ước.
Về sau, cha mẹ lấy hết can đảm để gọi cho cô. Hai người xin lỗi vì đã tự ý thay đổi nguyện vọng của con, đồng thời ngỏ ý gọi con về nhà để gia đình cũng đoàn tụ. Suy cho cùng, không gì có thể thắng được tình thân. Sau hơn hai thập kỷ xa cách, Đới Liễu cuối cùng cũng quay về Trung Quốc thăm cha mẹ. Lúc này, cha mẹ cô đã già, sức khỏe cũng không còn như trước.
Câu chuyện của Đới Liễu là minh chứng cho việc cha mẹ không nên can thiệp quá sâu và quyết định của con. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng họ có quyền kiểm soát cũng như quyết định đối với việc học tập và tương lai của con mình mà không cần cân nhắc xem con họ thực sự muốn theo đuổi điều gì. Loại tình yêu như vậy có thể nói là "ích kỷ". Đồng thời, cách làm cũng có thể hủy hoại tương lai của con trẻ. Là cha mẹ, chúng ta nên khuyến khích và hỗ trợ con mình như một chỗ dựa vững chắc đằng sau chúng, thay vì cố gắng kiểm soát con một cách mù quáng.
Theo Thùy Anh (Nguoiduatin.vn)