Đầu tháng 11 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã công bố danh sách 41 loại rau và trái cây giàu dinh dưỡng nhất thế giới.
Sau đó, tờ Eat This đã lọc ra 18 loại rau có mặt trong danh sách này và sắp xếp theo thứ tự điểm “mật độ dinh dưỡng” từ thấp tới cao.
Chuyên trang sức khỏe này cũng nhấn mạnh loại “rau vua” đứng ở vị trí số 1, với điểm số tuyệt đối 100/100, có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người bởi vốn rất phổ biến ở Việt Nam.
Top 5 bảng xếp hạng của CDC Mỹ gồm:
Hạng 1: Rau cải xoong 100 điểm
Hạng 2: Cải thảo 91,99 điểm
Hạng 3: Cải cầu vồng 89,27 điểm
Hạng 4: Lá củ dền 87,08 điểm
Hạng 5: Cải bó xôi 86,43 điểm.
Vậy vì sao rau cải xoong lại đạt được số điểm tuyệt đối như vậy?
Cải xoong được rất nhiều người Việt yêu thích. Loại rau này dễ trồng, có thể tìm thấy cải xoong mọc hoang dọc theo những bờ kênh, khe suối.
Cải xoong chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin K, B và chất chống oxy hóa như beta-carotene. Nghiên cứu cũng cho thấy cải xoong có tác dụng giảm tổn thương DNA và các tổn thương khác do stress oxy hóa. 2 yếu tố này có ý nghĩa quan trọng trong việc chống lão hóa.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cải xoong giúp tái tạo các tế bào bị hư hỏng, phòng bệnh ung thư và rất giàu vitamin C, thậm chí còn nhiều hơn cả cam và chanh. Đặc biệt, loại rau này rất giàu folate, một loại vitamin B được biết đến với vai trò trong chức năng não, cải xoong có thể góp phần cải thiện sức khỏe nhận thức, tăng cường trí nhớ và hỗ trợ kiểm soát căng thẳng.
Chính vì thế, ngoài việc dùng cải xoong để ăn lẩu, luộc, xào, bạn có thể xay cải xoong làm sinh tố hoặc ăn kèm cùng bánh mì, làm salad để tận hưởng được đối đa lợi ích sức khỏe của loại “rau vua” này.
Tuy nhiều tác dụng nhưng cải xoong cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho cơ thể, nhất là gan nếu ăn sai cách.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, rau cải xoong được trồng nhiều ở nước ta, dù chúng có thể sống được cả dưới nước và trên cạn, nhưng đa số người dân thường trồng dưới nước. Do vậy, cải xoong được xếp vào loại rau thủy sinh.
Cải xoong giàu dinh dưỡng, tốt cho não, phòng bệnh ung thư, tuy nhiên bác sĩ Thu Phương cảnh báo, loại rau này thường được trồng và sống dưới nước, bùn nên nguy cơ nhiễm sán lá gan lớn rất cao nếu chế biến sai cách.
“Giống như các loại rau thủy sinh khác như rau ngổ, rau muống nước thì rau cải xoong cũng là một nguồn lây nhiễm ký sinh trùng phổ biến”, bác sĩ Phương nói.
Theo vị bác sĩ cải xoong có thân mềm, chỉ cần nhúng vào nước sôi là rau đã mềm và sử dụng được, vì thế rất nhiều người chủ quan không đun sôi kỹ khi chế biến thành món ăn. Không ít người sử dụng cải xoong để làm nộm hoặc chần tái, nhúng lẩu ăn cho giòn, thói quen này rất nguy hiểm, khiến cơ thể dễ bị nhiễm sán lá gan lớn, có thể gây tổn thương gan.
Bác sĩ Phương thông tin, thực tế thăm khám cho thấy có rất nhiều ca bệnh ăn rau thủy sinh, trong đó có cải xoong chưa được nấu chín, bị nhiễm sán lá gan nhưng không biết.
"Nhiều bệnh nhân có thói quen ăn lẩu bằng rau cải xoong, khi rau chưa chín kỹ vớt ra ăn, ấu trùng sán lá gan chưa bị tiêu diệt theo đó vào ký sinh trong cơ thể", bác sĩ Phương chia sẻ.
Khi sán làm tổ trong gan, chúng tạo nên các ổ áp xe, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây vỡ ổ áp xe và làm gan bị tổn thương. Để đảm bảo an toàn, bác sĩ Phương chia sẻ, mọi người hoàn toàn có thể ăn cải xoong thường xuyên, nhưng khi sơ chế cần phải rửa đi, rửa lại nhiều lần. Cần tuân thủ tuyệt đối việc nấu chín ở 100 độ C từ 3 đến 5p, nếu rau nhiễm ấu trùng có thể bị nhiệt độ cao tiêu diệt trước khi ăn.
(Tổng hợp)
Biên Thùy (SHTT)