Căn bệnh khiến diễn viên Thanh Hoa qua đời ở tuổi 42 nguy hiểm thế nào?

08/01/2024 10:30:14

Diễn viên Thanh Hoa, thủ vai "Thanh sói" trong phim Hai Phượng đã qua đời vào chiều ngày 5/1 vừa qua do ung thư dạ dày di căn.

Chiều 5/1, làng giải trí Việt cùng đông đảo người hâm mộ đã vô cùng bàng hoàng trước thông tin nữ diễn viên Thanh Hoa đột ngột qua đời ở tuổi 42.

Diễn viên Thanh Hoa được biết đến với nhiều vai diễn hành động trên màn ảnh Việt. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến vai Thanh Sói trong phim điện ảnh Hai Phượng năm 2019.

Chia sẻ trên VnExpress, Marcus Vũ - đồng nghiệp thân thiết của Thanh Hoa cho biết, nữ diễn viên qua đời sau một thời gian điều trị ung thư bao tử di căn.

Thông tin này khiến không chỉ bạn bè, đồng nghiệp của Thanh Hoa bất ngờ mà nhiều khán giả yêu mến "Thanh Sói" cũng bàng hoàng, xót xa. Bên cạnh đó, một số cư dân mạng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến bệnh ung thư dạ dày di căn - căn bệnh nan y khiến nữ diễn viên qua đời.

Căn bệnh khiến diễn viên Thanh Hoa qua đời ở tuổi 42 nguy hiểm thế nào?
Diễn viên Thanh Hoa thủ vai Thanh Sói trong phim Hai Phượng. Ảnh FBNV

Bệnh ung thư dạ dày di căn đáng sợ thế nào?

Ung thư dạ dày được chia theo 4 giai đoạn dựa vào kích thước và mức độ lan, di căn của khối u. Trong đó, ung thư dạ dày di căn là giai đoạn cuối của căn bệnh nan y này. Đây là thời điểm bệnh lý nặng nhất, khối u đã di căn tới nhiều cơ quan trong cơ thể như não, phổi, gan, xương....

Đối với các trường hợp bị ung thư dạ dày di căn thì tiên lượng thời gian có thể sống sót còn lại phụ thuộc vào mức độ lan rộng của tế bào ung thư cũng như vị trí của khối u.

Nếu khối u mới di căn tới hạch bạch huyết thì người bệnh vẫn có cơ hội được chữa khỏi. Nhưng nếu ung thư dạ dày di căn tới các bộ phận khác như não, phổi, gan, xương,... thì tỷ lệ sống của bệnh nhân rất thấp (chỉ khoảng dưới 5%) và các biện pháp điều trị chỉ có ý nghĩa hạn chế sự lây lan rộng hơn của khối u và giúp bệnh nhân giảm nhẹ triệu chứng.

Cũng có những ca bị ung thư dạ dày di căn nhưng vẫn có thể sống được thêm 5 năm nhờ tích cực điều trị và có thái độ sống lạc quan, vui vẻ, kết hợp hiệu quả các liệu pháp hỗ trợ điều trị. Thống kê cho thấy tỷ lệ sống trung bình trong khoảng 5 năm của bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dạ dày di căn là 5 - 10%.

Tại sao căn bệnh này đáng sợ nhưng khó tránh?

Thứ nhất, có quá nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc ung thư dạ dày, khiến việc kiểm soát toàn diện rất khó. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori là 1 trong những yếu tố nguy cơ chính. nhưng vi khuẩn này cũng "tiến hoá" và bắt đầu kháng thuốc điều trị.

Căn bệnh khiến diễn viên Thanh Hoa qua đời ở tuổi 42 nguy hiểm thế nào? - 1
Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh đó, thói quen không lành mạnh về ăn uống, có thể thấy ở mọi độ tuổi, như ăn thức ăn mặn (ăn >5g muối/ngày), ăn thịt xông khói, ăn nhiều thịt đỏ, ít ăn trái cây, ít ăn chất xơ, thói quen hút thuốc lá, uống rượu, hay tình trạng thừa cân béo phì, bị trào ngược dạ dày thực quản, gia đình có cha mẹ anh chị em ruột bị ung thư dạ dày di truyền,... ất cả đều cộng dồn và tăng khả năng tiến triển ung thư dạ dày.

Thứ hai, ung thư dạ dày giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng. Nếu có, dấu hiệu giống như viêm dạ dày, rối loạn tiêu hoá - tình trạng rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày nên chúng ta rất dễ bỏ qua.

Thứ 3, mạch máu nuôi dạ dày rất phong phú, giàu hạch bạch huyết, dễ di căn. Khi đã di căn, việc điều trị như "tiến thoái lưỡng nan". Vì việc điều trị không đơn giản chỉ là cắt dạ dày thì khối u biến mất, mà còn kéo theo vấn đề về dinh dưỡng.

Các dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn đầu

Có một số dấu hiệu có thể cảnh báo rằng bạn đang bước vào giai đoạn này như:

- Cảm giác khó tiêu, khó chịu ở dạ dày

- Đầy hơi sau ăn

- Buồn nôn

- Ăn mất ngon

- Ợ nóng

Những dấu hiệu này kéo dài, thường xuyên xuất hiện nhưng lại không có nguyên nhân cụ thể. Ví dụ, khi ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, bạn thấy khó tiêu, đó là phản ứng bình thường của có thể. Nhưng, với 1 cơ thể khoẻ mạnh, cảm giác khó chịu sẽ nhanh chóng qua đi. Nhưng bỗng dưng bạn ăn gì cũng thấy khó tiêu, đầy hơi, ăn đồ nhiều dầu mỡ càng khó chịu hơn trước đây, thì hãy lưu ý. Nghĩa là có sự thay đổi phản ứng của cơ thể với những thứ bình thường trước đây.

Các dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn cuối

Khác với giai đoạn đầu vẫn còn mơ hồ, triệu chứng cảnh báo ung thư dạ dày di căn trở nên rõ rệt hơn, xuất hiện nhiều hơn. Sẽ tùy vào từng loại ung thư di căn tới đâu... mà dấu hiệu khác nhau.

Dấu hiệu của ung thư dạ dày di căn tới gan

- Mệt mỏi.

- Đau, khó chịu ở bụng.

Căn bệnh khiến diễn viên Thanh Hoa qua đời ở tuổi 42 nguy hiểm thế nào? - 2
Ảnh minh họa: Internet

- Chán ăn, nôn, giảm cân.

- Bụng căng lên bất thường.

- Phù chân, thường xuyên bị ngứa da.

- Mắt và da vàng.

Dấu hiệu của ung thư dạ dày di căn tới phổi

- Khó thở.

- Ho liên tục, dai dẳng.

- Tràn dịch màng phổi.

- Viêm phổi.

Triệu chứng cảnh báo ung thư dạ dày di căn tới màng bụng

- Táo bón.

- Khó tiêu hóa thức ăn.

- Chán ăn.

- Khó thở.

- Mệt mỏi.

Triệu chứng cảnh báo ung thư dạ dày giai đoạn cuối di căn tới buồng trứng

- Đau thắt vùng bụng, lưng, xương chậu.

- Cơ thể mệt mỏi.

- Kinh nguyệt bị rối loạn.

- Táo bón, tiêu chảy, chướng bụng...

Làm sao để phòng ngừa?

Nói chính xác, chúng ta chỉ có thể giảm nguy cơ chứ không thể loại bỏ hoàn toàn. Bắt đầu từ việc điều trị khuẩn H.pylori nếu bị nhiễm, giữ thói quen ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục để nâng cao đề kháng cho bản thân.

Trên thế giới, dù rất hiếm, nhưng vẫn có những người khỏi ung thư hoàn toàn và khoa học vẫn chưa lý giải một cách rõ ràng, có thể từ tinh thần lạc quan và hệ miễn dịch của cơ thể. Lắng nghe cơ thể của bạn, và hãy đi khám nếu có bất kỳ dấu hiệu nào khiến bạn lo lắng.

PN (SHTT)

Nổi bật