Mẹ già thích được gọi là "em bé", không thấy con trai là khóc đi tìm
“U ơi con đã đi làm về. Hôm nay “Em bé U” ở nhà có ngoan không?”, nghe được giọng người con trai Đỗ Văn Hương (50 tuổi), người mẹ già tên Ninh Thị Còi (97 tuổi) mừng rỡ trả lời: “Anh đi đâu để tôi tìm suốt. Tí nữa thì tôi khóc!”.
Cùng với những lời nói ngọt ngào đầy tình cảm ấy, ông Hương vào nhà ôm lấy mẹ, nắm chặt tay động viên và thơm lên má để an ủi sau vài tiếng mẹ con xa nhau.
Gia đình ông Hương quê gốc ở Nam Định. Ông cũng là con trai út trong gia đình có 7 anh chị em. Là con út nên ông Hương có thời gian sống với bố mẹ nhiều nhất, vì thế ông thấu hiểu được những vất vả của bậc sinh thành trong những năm tháng khó khăn trước đây.
“Gia đình tôi ai cũng yêu thương, kính trọng mẹ già. Có điều tôi ở với bố mẹ nhiều và mẹ cũng quý tôi hơn một chút nên mẹ ở với gia đình tôi”, ông Hương tâm sự. Ông cho biết, kể từ khi mẹ bị sa sút trí tuệ (hay lẫn), ông đón bà từ Nam Định lên Hà Nội để tiện đi khám. Bác sĩ nói rằng đây là “bệnh người già”, não teo đi không hồi phục được, muốn mẹ không bị nặng thêm thì việc chăm sóc, quan tâm của các thành viên trong gia đình là rất quan trọng.
Kể từ khi được bác sĩ tư vấn, ông Hương xin phép anh chị đón mẹ lên Hà Nội ở cùng. Hàng ngày, dù công việc bận rộn đến đâu, vợ chồng ông cũng chuẩn bị và cho mẹ ăn sáng rồi mới đi làm. Mỗi khi đi làm về, mọi công việc ông Hương đều bỏ sau cánh cửa, dành hết thời gian để chăm sóc, trò chuyện với mẹ già. Ông chia sẻ rằng, với điều kiện hiện nay, cái ăn, cái mặc không phải là vấn đề lớn, điều quan trọng nhất chính tình cảm, sự quan tâm dành cho mẹ, có như vậy mẹ mới khỏe và sống lâu để con cháu phụng dưỡng.
Nói thì dễ nhưng bắt tay vào chăm sóc một người “nhớ nhớ, quên quên” lại chẳng đơn giản chút nào. Ông Hương kể rằng, những khi cụ cáu gắt, giận dỗi, thậm chí là khóc tu tu như một đứa trẻ, ông lại kiên nhẫn dỗ dành, chiều theo ý để mẹ nguôi hoặc quên đi cơn hờn giận. “Những lúc mẹ nũng nịu như đứa trẻ lên 3, mình lại phải hóa thân thành một “bảo mẫu” để dỗ dành. Chính vì thế tôi gọi mẹ là “Em bé U”. Mẹ cũng thích được tôi gọi như vậy”, ông Hương chia sẻ.
"Liều thuốc" quan trọng nhất là tình cảm
Ông Hương chia sẻ, việc khó nhất là những khi cho mẹ ăn uống, thậm chí hai mẹ con phải dồn nhau cả tiếng trong phòng chưa xong một bữa. “Tôi còn nhớ có lần nịnh mãi mẹ không ăn, dở đủ trò trong phòng không được. Khi đó tôi phải ra ban công để cụ quên đi bữa ăn. Một lúc sau vào, tôi coi như chưa có chuyện gì xảy ra, rối rít đòi bắt tay lãnh đạo “Em bé U”. Khi đó mẹ tôi cũng bắt tay, rồi tôi bắt đầu tỉ tê đút từng thìa cháo”, ông Hương kể lại.
Lần khác, đến giờ ăn tối thì cụ Còi hờn dỗi, đòi đi tìm bố mẹ đẻ của mình để về ở cùng. Trước yêu cầu của mẹ, ông Hương nói: “U gần 100 tuổi rồi mà còn đòi bố, mẹ thì con biết tìm đâu ra bây giờ. Để con sang bên Châu Âu con đòi cho. Nào uống hết cốc sữa này rồi con đi tìm”.
Dù nghe con nói lời ngon ngọt nhưng cụ Còi vẫn nước mắt ngắn dài than thở vì không có bố mẹ ở cùng. Khi đó ông Hương nghĩ ra phương án: “Con tìm chồng cho U bầu bạn nhé”. Nghe thấy vậy, cụ bà giãy nảy, nói với giọng hờn dỗi: “Tìm chồng để chồng nó trị tôi chứ gì. Tôi còn lạ gì nữa. Thôi không nuôi thì thôi, tôi đi cho mát cái thân tôi”. Cuối cùng sau nhiều nỗ lực, ông Hương cũng dỗ được mẹ hết giận và thơm má mình, rồi cả hai mẹ lại vui vẻ, ríu rít chơi trò đập tay và uống hết cốc sữa.
Những cảnh chăm mẹ, nịnh mẹ được ông Hương quay video đăng lên mạng xã hội, khi mọi người nhìn vào ai cũng nể phục một người con trai tuổi đã 50, nhưng hàng ngày vẫn ân cần chăm sóc mẹ già gần 100 tuổi. Còn với bản thân ông Hương, ông coi đó là sự lan tỏa yêu thương, cũng như lan tỏa điều tích cực tới cộng đồng. Hơn thế nữa, với ông khi còn được bên mẹ, chăm sóc mẹ thì đó là điều hạnh phúc nhất.
“Tôi phải có phúc lắm mới được chăm sóc mẹ già. Nhiều người khi nhìn lại, có muốn cũng chẳng được nữa”, ông nói và kể thêm rằng, ở tuổi 50, mấy ai còn được ngủ trong vòng tay mẹ như ông. Hay chiều chiều đi làm về có mẹ ngồi dưới cửa để chờ con trai về và ôm chầm lấy. “Nhiều người sẽ nói, cụ lẫn rồi nên mới vậy. Còn với tôi lại khác, tôi thấy hạnh phúc và sẽ tận hưởng những giây phút hạnh phúc ấy. Bởi giờ đây, cụ giống như một đứa trẻ, luôn muốn được bên cạnh người mình yêu thương và tin tưởng nhất”, ông Hương chia sẻ.
Đồng hành cùng ông Hương trong việc chăm sóc mẹ già còn có người vợ hiền, dâu thảo tên Nguyễn Thị Chiến (45 tuổi). Bà Chiến cho biết, hơn 20 năm làm dâu, bà luôn tự hào khi mình chưa một lần to tiếng với bố mẹ chồng. Bản thân bà cũng luôn coi bố mẹ chồng như bố mẹ ruột của mình. “Với tôi đã là bố mẹ thì ai cũng như ai. Khi mình đối xử tốt với bố mẹ, con cháu nhìn vào sẽ học theo và đó cũng là cách để lại phúc cho con cháu”, bà Chiến tâm sự.
Cả hai vợ chồng ông Hương cũng thừa nhận rằng, dù chăm sóc dinh dưỡng với người già là cần thiết, nhưng nhờ những “liều thuốc” tinh thần của gia đình mà thể trạng của cụ vẫn còn khá tốt, bệnh cũng không nặng thêm. Hằng ngày cụ vẫn di chuyển trong nhà, leo cầu thang, tự vệ sinh cá nhân.
“Chế độ ăn uống của U không có gì đặc biệt, bữa sáng chúng tôi chuẩn bị rồi cho bà ăn uống xong mới đi làm. Bữa trưa và bữa tối vẫn ăn như chế độ các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, bữa trưa tôi sẽ cố gắng bố trí công việc về ăn cơm cùng mẹ để mẹ vui, ăn được ngon miệng hơn. Còn điều quan trọng nhất với tôi đó chính là những tiếng cười của mẹ hoặc những cử chỉ âu yếm của mẹ dành cho các con, cháu”, ông Hương chia sẻ.
Cuối cùng, qua câu chuyện của bản thân, ông Hương muốn nhắn nhủ tới mọi người rằng, hãy trân trọng những phút giây khi bố mẹ đang còn ở bên chúng ta, đừng chờ bố mẹ ốm đau, chờ già yếu mới thể hiện lòng hiếu thảo. “Với bản thân tôi ngày nào cũng là ngày kỷ niệm, ngày lễ, chứ không chờ đến ngày 8/3 mới tặng quà, hay chờ đến Vu Lan mới báo hiếu bố mẹ”, ông Hương nhắn nhủ.
Theo Lê Phương (Tri thức & Cuộc sống)