Bên cạnh bánh chưng, bánh tét thì xôi nếp cũng là một phần không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền. Mỗi vùng miền, mỗi gia đình có một sở thích, phong tục nấu xôi khác nhau. Món xôi rất đa dạng với xôi gấc đỏ, xôi trắng hay xôi đỗ xanh...
Nhưng một trong những nguyên liệu không thể thiếu của món xôi chính là hạt gạo nếp dẻo trắng ngần.
Để nấu ra món xôi mềm, dẻo, để lâu vẫn không bị cứng thì ngoài nguyên liệu phải chọn loại ngon thì cách nấu cũng rất quan trọng. Bạn phải biết ngâm gạo nếp đúng cách, căn chỉnh lượng nước, thời gian nấu phù hợp...
Nấu xôi bằng chõ
Gạo sau khi ngâm xong, cho gạo vào rổ, vo gạo qua 2 đến 3 nước để làm sạch gạo. Nếu bạn nấu xôi đỗ xanh thì đỗ xanh cũng làm tương tự. Sau đó đổ cả gạo và đỗ xanh vào một chậu sạch, cho chút muối và dầu ăn vào để xôi nấu xong được đậm vị. Dùng tay trộn đều.
Đổ nước vào xửng rồi cho lên bếp. Đun đến khi sôi thì cho gạo và đỗ xanh vào chõ, đậy nắp chõ rồi hấp chín xôi. Vừa hấp xôi, bạn vừa dùng muôi đảo tơi xôi khoảng 1 đến 2 lần để xôi được chín đều, kỹ hơn. Thời gian hấp xôi khoảng 30 phút.
Sau khi xôi chín, bạn cho sôi vào khuôn rồi cho ra đĩa. Nếu nhà bạn không có khuôn thì có thể cho xôi vào bát rồi úp ra đĩa để xôi được đẹp hơn.
Cách nấu xôi bằng nồi cơm điện
Đồ xôi bằng nồi cơm điện không hề khó, nếu biết cách bạn vẫn có thể đồ được xôi ngon, dẻo mà không cần dùng đến chõ, nồi hấp chuyên dụng.
Gạo nếp ngâm khoảng 3 đến 4 tiếng. Để gạo không bị vỡ bạn nên vo gạo trước khi ngâm. Trước khi nấu, bạn nên cho gạo ra rá, tráng qua nước, để khoảng 15 phút cho ráo nước. Sau đó trộn đỗ xanh hay gấc tùy món xôi bạn nấu, cho chút muối cho món xôi thêm đậm đà. Nếu muốn nấu xôi vào buổi sáng bạn nên ngâm gạo và đỗ xanh từ tối hôm trước. Sáng hôm sau dậy thì đãi sạch hết vỏ đậu , vò sạch gạo nếp và để vào rổ cho ráo nước.
Chỉ nên đổ ít nước, thông thường với nửa kg gạo thì cho nước sâm sấp mặt gạo, cách mặt gạo khoảng 0,5cm. Tuỳ theo lượng gạo nhiều ít mà bạn canh chỉnh lượng nước, nếu gạo nhiều thì đổ nước cao hơn một chút. Gạo nếp chín bằng hơi.
Khi nước cạn, nhìn thấy nếp chín chỉ 2 - 3 phần thì lấy một chiếc khăn ướt đậy lên trên vì xôi chủ yếu chín bằng hơi. Khi xôi chín được 8 - 9 phần thì lấy khăn ra, dùng đũa xới lên, cho một chút dầu ăn vào để đáy nồi không bị cháy. Nếu có lỡ cháy, thì lớp xôi dưới đáy nồi vẫn rất ngon.
Theo Bích Ngọc (VTV)