* Dưới đây là chia sẻ của người đàn ông họ Trương (Trung Quốc) về buổi hợp lớp sau 20 năm ra trường của mình:
Họp lớp luôn là ngày vui để bạn bè ở bất kỳ đâu cũng về tề tựu, cùng nhau ăn một bữa ăn. Tại đây, mọi người cùng nhau ôn lại kỷ niệm từ thời cắp sách đến trường. Có thể nói, họp lớp chính là một "tấm vé" đưa chúng ta trở về những tháng ngày niên thiếu vô lo vô nghĩ, nhắc chúng ta nhớ về một thời tràn đầy nhiệt huyết cùng sự hồn nhiên.
Tuy nhiên trên thực tế, không phải cuộc họp lớp nào cũng vui vẻ và ý nghĩa như chúng ta mong muốn. Có không ít người, sau một cuộc họp lớp đã nhận về nhiều bài học sâu cay.
Bạch Hào là lớp trưởng lớp cấp 3 của tôi. Ngày xưa, Bạch Hào học khá giỏi, được nhiều người ngưỡng mộ và yêu quý trong đó có cả tôi. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi và Bạch Hào không còn giữ liên lạc với nhau nữa, thông tin ít ỏi tôi biết về Bạch Hào là bạn đỗ vào một trường đại học khá có tiếng ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
Vậy nên, khi biết tin Bạch Hào sẽ tham gia buổi họp lớp sau 20 năm ra trường, tôi cảm thấy rất vui vì được gặp lại bạn cũ. Tuy nhiên, mọi thứ dường như sụp đổ trong lần tái ngộ với bạn sau 20 năm. Bạch Hào tốt tính, khiêm tốn ngày nào của chúng tôi giờ đã trở thành một con người khác. Cậu ấy liên tục khoe mẽ sự giàu sang của bản thân, nào là mua được nhà ở Bắc Kinh, rồi tậu xế hộp mới thường xuyên... Qua những lời tự phụ của Bạch Hào, tôi có thể mường tượng ra được sự giàu có của cậu ấy.
Ngồi "tiếp chuyện" với Bạch Hào được 10 phút, tôi không thể chịu đựng được cái sự khoe mẽ thêm nữa. Do đó, tôi đã quyết định đứng dậy ra chỗ khác. Đến giờ dự tiệc, nếu đúng như kế hoạch là tôi sẽ chọn chỗ để ngồi cùng mâm với Bạch Hào, nhưng sau một vài cử chỉ, hành động và lời nói của bạn, tôi đã nghĩ lại.
Mọi chuyện diễn ra khá yên ổn, cho đến lúc thanh toán hóa đơn ăn uống. Vì quỹ lớp chúng tôi đóng không đủ chi trả bữa ăn có giá 20 triệu (chúng tôi còn thiếu 5 triệu). Vậy nên, thủ quỹ đã đến và hỏi ai có thể ứng trước cho lớp để thanh toán cho hóa đơn này không. Lúc này, tất cả ánh mắt đều hướng về Bạch Hào vì trước đó, cậu ấy luôn miệng khoe rằng mình dư giả lắm, nên khả năng cao là cậu ấy có thể bù số tiền còn thiếu cho lớp, rồi sau đó mọi người sẽ góp lại để trả cho Bạch Hào.
Không như mọi người nghĩ, Bạch Hào cố gắng lảng tránh những ánh mắt của chúng tôi, coi như không biết chuyện gì xảy ra. Nhìn vào chiếc điện thoại mới mua của mình, Bạch Hào liền thốt một câu khiến chúng tôi tá hỏa: "Thôi mình bận rồi, mọi người ở lại nhé, có gì nhắn riêng cho mình".
Sau khi Bạch Hào ra về, các bạn trong lớp đều tỏ rõ thái độ và sự bất bình trước hành động của lớp trưởng năm xưa.
Trong mỗi buổi họp lớp, không khí thường đầy ắp tiếng cười và sự vui vẻ. Tuy nhiên, có một số người sở hữu tính cách thường không được lòng thành viên trong lớp, đặc biệt là những người hay khoe tiền bạc và của cải.
Nhận định một cách khách quan, có thể họ không ý thức được rằng việc liên tục nói về của cải vật chất của mình đang tạo ra cảm giác không thoải mái cho người khác. Khi một người không ngừng khoe khoang về những chiếc xe hơi mới tậu, căn hộ mới mua hay những chuyến du lịch xa xỉ... có khả năng sẽ khiến người khác khó chịu. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh một buổi họp lớp, nơi mọi người mong đợi sự gần gũi và đồng cảm, chứ không phải là một sân khấu để phô trương sự giàu có.
Người hay khoe của càng trở nên phản cảm khi họ không nhận ra rằng thành công không chỉ đo lường bằng tiền bạc. Sự giàu có vật chất không thể hiện hết giá trị của một con người. Mọi người đều có những thành tựu và khó khăn riêng mà họ đã trải qua, và việc tôn vinh sự giàu có một cách quá mức có thể làm lu mờ những thành tựu khác như sự nỗ lực, kiên trì, tài năng của bản thân.
Hơn nữa, việc khoe của thường đi kèm với thái độ tự mãn và kiêu ngạo, khiến cho người đó dễ dàng trở thành mục tiêu của sự đố kị. Điều này không chỉ phản ánh một cách tiếp cận không tinh tế trong giao tiếp xã hội, mà còn cho thấy một thiếu sót trong việc hiểu và quan tâm đến cảm xúc của người khác. Việc này có thể dẫn đến việc họ bị cô lập, vì mọi người thường có xu hướng tìm kiếm sự chia sẻ và đồng cảm lẫn nhau hơn là chỉ nghe về thành công cá nhân của ai đó.
Trong một số trường hợp, người khoe của còn có thể bị người khác hoài nghi về nguồn gốc của sự giàu có của họ, đặt ra câu hỏi về tính chính trực và đạo đức làm ăn. Những lời bàn tán và nghi ngờ có thể làm tổn thương danh dự và uy tín của cá nhân đó, dẫn đến hậu quả tiêu cực không chỉ trong buổi họp lớp mà còn trong cuộc sống xã hội rộng lớn hơn.
Do đó, trong một buổi họp lớp, những người tự hào và muốn chia sẻ những thành tựu cá nhân của mình nên làm điều đó một cách khiêm tốn và có chọn lọc, đồng thời không quên lắng nghe và chia sẻ niềm vui cũng như những khó khăn mà người khác đã trải qua. Điều này không chỉ giúp họ tránh được việc trở thành người bị ghét nhất trong buổi họp lớp, mà còn góp phần tạo dựng một không khí thân thiện và tôn trọng lẫn nhau.
Theo Đông (Phụ Nữ Mới)