Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong hơn 10 năm qua, mô hình bệnh tật tại Việt Nam vẫn diễn biến theo xu hướng gia tăng trầm trọng các bệnh không lây nhiễm. Năm 2019, gánh nặng bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc.
Trong đó, bệnh tim mạch chiếm 20,5%; ung thư 13,3%; bệnh hô hấp mạn tính 4%; đái tháo đường chiếm 3,9% tổng gánh nặng bệnh tật. Các rối loạn tâm thần kinh chiếm 5,3% tổng số tử vong.
Tại Việt Nam, các dự án phòng chống bệnh không lây nhiễm đã được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Dù vậy, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, gây quá tải bệnh viện, gây thiệt hại về kinh tế, gánh nặng do tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe cộng đồng.
Bệnh không lây nhiễm thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển gồm: yếu tố về hành vi lối sống như hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, dinh dưỡng không hợp lý và ít hoạt động thể lực.
Các yếu tố nguy cơ về hành vi sẽ dẫn tới các biến đổi về sinh lý, chuyển hóa bao gồm: tăng huyết áp, thừa cân béo phì, tăng đường máu và rối loạn lipid máu. Các chuyên gia cho hay bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính có chung một số yếu tố nguy cơ chung. Cụ thể như sau:
Hút thuốc lá: Đây là nguyên nhân của 71% trường hợp ung thư phổi; 42% trường hợp bệnh phổi mạn tính và 10% các bệnh tim mạch. Mỗi năm, thế giới có khoảng 6 triệu người tử vong do thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc thụ động.
Sử dụng rượu, bia ở mức có hại: Rượu, bia và các đồ uống có cồn khác là chất gây nghiện. Sử dụng rượu bia ở mức có hại có thể gây ra hơn 200 bệnh tật và chấn thương.
Năm 2012 có khoảng 3,3 triệu người tử vong trên toàn cầu do sử dụng rượu bia. Trong đó, phần lớn là hậu quả của các bệnh tim mạch, đái tháo đường, 9 loại bệnh ung thư, bệnh về hệ tiêu hóa, chấn thương, rối loạn phát triển bào thai và các biến chứng sinh non do rượu.
Dinh dưỡng không hợp lý: Ăn ít rau và trái cây được quy cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong trên thế giới.
Các bằng chứng khoa học cho thấy ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo và đường, làm tăng nguy cơ béo phì. Ăn thực phẩm có nhiều chất béo no (có nhiều trong mỡ động vật) và chất béo chuyển hóa (có thể có trong thực phẩm chế biến sẵn) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đái tháo đường. Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch.
Ít hoạt động thể lực: Một người ít vận động sẽ tăng từ 20-30% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân nếu so sánh với một người vận động cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Nếu hoạt động thể lực mức độ vừa phải 150 phút/tuần ước tính có thể giảm 30% nguy cơ bệnh tim thiếu máu cục bộ, giảm 27% nguy cơ đái tháo đường, giảm 25% nguy cơ ung thư vú và ung thư đại tràng.
Theo Bộ Y tế, mặc dù nguy hiểm nhưng các loại bệnh trên có thể phòng ngừa thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ và nâng cao năng lực y tế để phát hiện sớm, quản lý điều trị. Loại trừ được các yếu tố nguy cơ sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường type 2 và trên 40% các bệnh ung thư.
Sâu xa hơn, chúng ta cần phải giải quyết các yếu tố kinh tế xã hội thúc đẩy sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm.
Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 đã đề ra các mục tiêu cần đạt được đến năm 2025 như: Giảm 30% số người hút thuốc lá, giảm 10% số người uống rượu, bia có hại; giảm 10% số người thiếu vận động thể lực; kiểm soát thừa cân, béo phì dưới 15%; kiểm soát tăng huyết áp dưới 30%, kiểm soát đái tháo đường dưới 8%; giảm 20% số ca tử vong do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...
Theo Linh Anh (VietNamNet)