Được biết, câu chuyện xảy ra tại vùng nông thôn tại Quý Châu (Trung Quốc), cặp đôi yêu nhau một thời gian thì tính chuyện kết hôn. Gia đình đôi bên thống nhất mọi thủ tục làm đám cưới. Tiền sính lễ nhà trai phải trả cho nhà gái là 999 tệ (khoảng 32 triệu đồng).
Biết được số tiền sính lễ, chú rể rất vui vì số tiền trên vừa tầm với gia đình anh ta. Phía gia đình nhà trai cũng nhanh chóng đồng ý với số tiền sính lễ trên, đám cưới được sắp xếp tiến hành.
Đến ngày cưới, cô dâu xuất hiện với ngoại hình trẻ trung, xinh đẹp. Chú rể mặc bộ vest bảnh bao, ngoại hình tương xứng với cô dâu. Nhìn khung cảnh vui vẻ, ai cũng dự đoán về một tương lai hạnh phúc.
Tuy nhiên, một việc không như ý đã xảy ra. Theo phong tục địa phương, khi cô dâu bước xuống xe hoa, gia đình nhà trai phải trao tiền sính lễ. Đó là số tiền 999 tệ đã thỏa thuận từ trước. Tuy nhiên, bố mẹ chú rể lại không đưa khoản tiền đó, thái độ cũng thờ ơ, như chưa từng có sự thương lượng.
Dù nhiều người nhắc đến chuyện này nhưng nhà trai vẫn làm ngơ. Cách hành xử của họ khiến cô dâu bất bình, tỏ thái độ trước mặt quan khách, đám cưới hỗn loạn.
Nhiều người phê phán cô dâu, cho rằng cô quá quan trọng đồng tiền. Có người lại động viên cô nên nín nhịn, để xong mọi việc rồi tính tiếp.
Vì "ván đã đóng thuyền" nên cô đành nghe lời khuyên, chấp nhận đám cưới. Tuy nhiên, suốt quá trình diễn ra lễ cưới, trên mặt cô dâu không có nổi một nụ cười.
Tình huống này khiến nhiều người dự đoán một tương lai không mấy tốt đẹp giữa gia đình chồng và nàng dâu mới.
Câu chuyện sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Đa số cho rằng gia đình chú rể như vậy là không làm đúng tập tục cưới hỏi, cũng không tôn trọng thỏa thuận trước đám cưới. Vì vậy không thể cho rằng cô dâu quá đáng, coi trọng chuyện tiền bạc. Cô có hành xử như vậy cũng không hề sai.
Số ít khuyên cô dâu nên vì tình yêu mà bỏ qua tất cả. Quan trọng nhất vẫn là tình cảm đôi bên dành cho nhau.
Thế nhưng theo phong tục địa phương, tiền sính lễ, tiền xuống xe hoa là số tiền thể hiện sự tôn trọng của gia đình nhà trai dành cho nhà gái. Việc đòi tiền sính lễ, tiền xuống xe hoa quá lớn là điều không nên nhưng không thể không có.
Đây không phải lần hiếm hoi chuyện tiền sính lễ khiến đám cưới trở thành ngày buồn của nhiều cặp đôi ở các vùng nông thôn Trung Quốc.
Trang 163 đăng tải, trước đó, chuyện xảy ra tại một đám cưới ở thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) vào hồi tháng 2/2022 cũng khiến dân làng tại đây xôn xao.
Trong ngày vui, chú rể háo hức đi đón dâu. Đến cửa nhà trai, quan khách rất đông chờ đón cô dâu và chú rể. Theo thông lệ, chú rể sẽ xuống xe hoa trước và dắt tay cô dâu vào trong nhà làm lễ. Thế nhưng mọi người chờ đợi hơn 1 tiếng không thấy cô dâu đâu. Thì ra, cô dâu vẫn ngồi trên xe hoa không chịu xuống bởi nhà trai chưa đưa đủ sính lễ.
Cô dâu yêu cầu chú rể phải đưa cho mình số tiền 66.000 tệ (khoảng 240 triệu đồng) mới chịu xuống xe hoa. Đây là số tiền không hề nhỏ và gia đình nhà trai khó có thể chuẩn bị đủ để đưa cho cô dâu ngay lập tức.
Số tiền cô dâu đòi trước khi xuống xe hoa là tiền sính lễ mà hai bên gia đình đã thương lượng từ trước. Tuy nhiên, ngoài số tiền sính lễ như đã hứa, gia đình nhà trai đã tặng cô dâu và gia đình nhà gái nhiều món quà giá trị lên tới gần 2 tỷ đồng. Ông muốn gia đình nhà gái thư thư khoản tiền xuống xe hoa này.
Vì vậy, việc cô gây khó dễ, đòi bằng được số tiền và không chịu xuống xe khiến bố chú rể bất bình. Chú rể thì bức xúc, cho rằng vợ mình quá tham lam. Nhưng vì muốn giữ thể diện cho con trai và gia đình, bố chú rể đành nhấc điện thoại, vay mượn khắp nơi.
Cuối cùng ông cũng gom đủ số tiền để con dâu xuống xe hoa. Tuy nhiên, sau tất cả, cái kết về một gia đình hạnh phúc là điều nhiều người không dám nghĩ tới.
NT (SHTT)