Lấy chồng 5 năm, ngoài các dịp giỗ chạp, vợ chồng tôi đều có trách nhiệm đóng góp và biếu xén bố mẹ chồng. Vốn là con một trong gia đình nên chồng đã được nuông chiều từ bé, chỉ biết bản thân. Anh gia trưởng và cho rằng làm dâu là phải đóng góp mọi việc, gánh trách nhiệm trong nhà.
Chưa năm nào tôi thực sự có một cái Tết thảnh thơi ở nhà chồng. Tôi cảm giác, anh lấy tôi về chỉ để lo toan mọi việc trong nhà anh, để mẹ và anh được nghỉ ngơi. Cứ 27 Tết là tôi phải sắm sửa đầy đủ từ ban thờ, quất đào, bánh kẹo... Thức ăn thức uống tôi cũng phải lên danh sách và mua bán sẵn đặt trong nhà để mẹ anh khỏi phải lo gì. Rồi ngày 30, mùng 1 Tết cúng cáp những gì, tôi phải lên thực đơn ghi ra trước rồi cứ thế mà làm.
5 năm lấy chồng, mẹ đẻ ngạc nhiên vì con gái bà như trở thành một con người khác. Từ một cô con gái chỉ biết ăn, biết ngủ, dựa vào mẹ, tôi giờ đây xăm xắn, chu đáo và giỏi giang bếp núc. Mẹ nói không biết nên buồn hay nên vui cho tôi nữa. Mẹ vui vì tôi đã đảm đang tháo vát hơn xưa nhưng lại lo lắng vì tôi quá vất vả ở nhà chồng.
Hai vợ chồng làm công ăn lương, không có nhiều tiền tiết kiệm, cả năm chỉ trông chờ vào khoản thưởng Tết. Vậy nên trước khi có thưởng, chúng tôi thường hạch toán rõ ràng tiền quà cáp, biếu xén đôi bên nội ngoại.
Ngày trước, anh quy định nhà nội phải hơn nhà ngoại vì chúng tôi ăn uống ở nhà nội còn nhà ngoại thì không. Tôi đồng ý vì thực ra, bố mẹ đẻ tôi còn muốn cho thêm con cái chứ không muốn lấy gì của con cái. Nhưng dù bố mẹ không muốn nhận tôi cũng ép bố mẹ phải nhận. Tôi muốn chồng nhìn thấy sự công bằng mà biết cách đối nhân xử thế.
Năm ngoái, công việc của chúng tôi tốt hơn, Tết được thưởng cao, tôi với chồng bàn nhau biếu nhà nội, nhà ngoại 8 triệu sắm Tết. Nhưng năm nay kinh tế khó khăn, tôi tính hạ bớt vì dù sao mình cũng sắm sửa rất nhiều. Nhưng chồng khăng khăng không chấp nhận. Anh cho rằng chúng tôi sinh sống ở nhà nội thì 8 triệu quá ít, có hạ thì hạ ở nhà ngoại. Anh nói chỉ biếu nhà ngoại 3 triệu, còn nhà nội vẫn 8 triệu.
Nghe chồng nói vậy tôi rất bực. Mỗi năm chúng tôi về quê được vài lần, biếu bố mẹ được mấy đồng mà anh tính toán hơn thua? Tôi kiên quyết phải công bằng nhưng chồng không đồng ý. Cãi nhau một hồi cuối cùng tôi là người phải nhượng bộ nhưng với số tiền là 5 triệu chứ không phải 3 triệu như anh nói. Trong lòng chồng vẫn hậm hực nhưng không làm gì được.
Ngày về quê, rút số tiền 5 triệu biếu bố mẹ vợ, con rể có vẻ không thực sự hài lòng. Lúc ra về, anh còn kêu ca mãi trên xe. Nào là: “Mình đi lại xa xôi, tiền xăng xe, tiền phí đường, tiền quà cáp… đã tốn bao nhiêu rồi còn biếu bố mẹ 5 triệu nữa thì khác gì 8 triệu đâu? Gì thì gì em cũng phải tính toán cho hợp lý. Cứ thế này một cái Tết không biết hết bao nhiêu tiền”.
Nghe chồng nói tôi thực sự nóng mặt. “Nếu anh đã tính như vậy thì thử tính luôn hộ em 6-7 con gà trống mào đỏ, 2-3 buồng chuối, chục cái bánh chưng, mấy con ngan, chục cân thịt lợn nhờ hàng xóm mổ, hoa quả, bánh trái… làm quà gửi lên biếu bố mẹ anh hộ em cái. Chỗ đó xem có quá 5 triệu của nhà anh không mà anh ngồi ấy tính toán chi ly? Nếu anh thích sòng phẳng thì em nói luôn, ở nhà anh em chỉ có sắm thôi chứ không có nhận. Mà sắm rồi còn phải biếu thêm bố mẹ tiền tiêu Tết. Đừng tính nữa, đừng để em phải nói ra những lời không hay… “.
Nhiều năm nay, những ấm ức trong lòng dồn nén khiến tôi khó chịu, đến hôm nay mới nói được ra. Tôi biết chồng chi ly, tính toán nội ngoại nhưng tôi không ngờ anh lại còn so bì như vậy. Sau câu nói của vợ, anh câm nín, không nói thêm một lời nào nữa, chỉ biết cúi đầu xấu hổ.
Lấy chồng xa, làm dâu xa, không được về quê ăn Tết với bố mẹ đã là thiệt thòi của phụ nữ chúng tôi. Không lẽ biếu bố mẹ mấy triệu cũng phải xin phép chồng rồi cân đong đo đếm?
Theo PV (VietNamNet)