Nước dừa có vị hơi ngọt, béo ngậy, ít đường và calo. Nước hoa quả này cũng rất giàu các chất điện giải như kali, natri và magie, tất cả đều giúp bổ sung các chất dinh dưỡng bị mất. Đó có lẽ cũng là lý do tại sao nước dừa lại là loại nước giải khát được nhiều người lựa chọn khi đi du lịch vào mùa hè.
Thực tế, loại nước giải khát từ thiên nhiên này mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn bạn nghĩ.
Bù nước
Cordelia McFadyen, chuyên gia dinh dưỡng, Giám đốc công ty dinh dưỡng toàn diện Inspired Living Nutrition Inc. (Canada), cho biết nước dừa là thức uống tuyệt vời để bù nước bị mất trong quá trình tập luyện, nhờ nó chứa nhiều chất điện giải tự nhiên như natri, magie, canxi và kali.
Nghiên cứu năm 2014 của các nhà khoa học Brazil cho thấy nước dừa cải thiện khả năng tập thể dục tốt hơn so với nước lọc hoặc đồ uống thể thao trong ngày nóng bức.
Giúp kiểm soát bệnh tiểu đường
Khác với các loại nước ép trái cây và nước ngọt, nước dừa chứa ít calo, đường và carbs. Theo chuyên trang Medical News Today, 237ml nước dừa, chứa khoảng 45 calo. Điều này khiến nó trở thành lựa chọn tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
Nghiên cứu cho thấy nước dừa có thể giúp kiểm soát đường huyết, cải thiện bệnh tiểu đường. Nó có thể làm tăng độ nhạy insulin và giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường.
Ngăn ngừa bệnh tim mạch
Uống nước dừa có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim. Nó có thể giúp kiểm soát mức cholesterol trong máu và duy trì sức khỏe tim mạch tốt nhờ chứa nhiều kali. Ngoài ra, nước dừa còn giúp tăng mức cholesterol tốt, giảm nguy cơ mắc bệnh về tim.
Chứa nhiều kali, nước dừa có thể giúp kiểm soát huyết áp. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu kali có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch bằng cách kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa đột quỵ, theo trang tin y tế PharmaEasy (Ấn Độ).
Ngăn ngừa sỏi thận
Ở Hoa Kỳ, 11% đàn ông và 6% phụ nữ bị sỏi thận ít nhất một lần trong đời, theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận nước này. Giữ nước là chìa khóa để ngăn ngừa sỏi thận. Ông Smith cho biết uống nước dừa như một phần của chế độ ăn uống cân bằng, có thể giúp giảm đau và giúp thanh lọc hệ thống của bạn. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy nước dừa làm tăng việc loại bỏ kali, clorua và citrate trong nước tiểu.
Chuyên gia dinh dưỡng Maxine Smith (Hoa Kỳ) cho biết: "Có nhiều loại sỏi khác nhau. Nhưng nếu bác sĩ của bạn khuyên nên bổ sung thêm kali vào chế độ ăn uống của mình, thì nước dừa có thể có lợi".
Ngoài ra, nước dừa hỗ trợ tiêu hóa rất tốt, nhất là điều trị táo bón cực kỳ hiệu quả.
Lưu ý khi uống nước dừa
Theo Monique Richard, chuyên gia dinh dưỡng, Học viện Dinh dưỡng Ẩm thực Mỹ, uống mỗi ngày 1 trái dừa (khoảng 240 ml) là an toàn đối với hầu hết mọi người. Tùy vào cơ địa của mỗi người, chỉ nên uống tối đa 2 trái dừa/ngày.
Shrey Srivastav, bác sĩ tại Bệnh viện Sharda (Ấn Độ), cho biết nước dừa giúp tăng cường khả năng miễn dịch và khởi động quá trình trao đổi chất của cơ thể. Một số người thường uống nước dừa trước khi ngủ để làm dịu cơn khát. Tuy nhiên, sở thích này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Do đó, uống nước dừa vào buổi sáng sẽ tốt hơn vào buổi tối.
Bà Rinky Kapoor, bác sĩ da liễu tại Ấn Độ, tiết lộ thêm, bạn có thể uống nước dừa sau khi tập thể dục. Chúng là nguồn điện giải tự nhiên, giúp bù nước.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hợp uống nước dừa. Bác sĩ Srivastav nhấn mạnh: "Nước dừa chứa hàm lượng kali cao. Vì vậy, những người mắc bệnh thận và những người bị rối loạn nhịp tim không nên uống nước dừa".
Những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) cũng nên hạn chế dùng nước dừa. Một số carbohydrate trong nước dừa có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Bên cạnh đó, người đang uống thuốc huyết áp hoặc tiểu đường cũng nên cẩn trọng khi uống nước dừa vì nước dừa có thể làm giảm huyết áp và đường huyết. Uống nước dừa cùng với 2 loại thuốc này có thể khiến huyết áp hoặc đường huyết hạ xuống quá thấp. Vì vậy, nếu uống, cần thận trọng, theo dõi kỹ huyết áp và đường huyết. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Theo Phương Anh (Gia Đình Việt Nam)