Ngày 13/8, VietNamNet dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân N.T.L (55 tuổi, trú tại huyện Thanh Ba, Phú Thọ) vào viện vì đùi phải gây đau, sưng nề, nóng đỏ và sốt cao.
Theo người nhà, trước nhập viện 3 ngày, bệnh nhân ra vườn hái quả bơ đã bị gà trống to (khoảng 4kg) lao tới mổ vào đùi phải. Vết thương bị đau, sưng nóng đỏ, ảnh hưởng đến việc đi lại nhưng bà chỉ ở nhà bôi thuốc. Một ngày sau, bà bị sốt gần 40 độ C, uống thuốc không đỡ nên đã đến khoa Cấp Cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã khám và làm các xét nghiệm, siêu âm cần thiết. Kết quả cho thấy người bệnh bị viêm mô tế bào đùi cẳng chân phải. Phương pháp điều trị cho người bệnh là dùng huyết thanh kháng độc tố uốn ván, kháng sinh phổ rộng kết hợp với giảm đau chống viêm. Sau điều trị 3 ngày, người bệnh đã cắt sốt và đỡ đau.
Trao đổi với VnExpress, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chủ quan khi bị các vật nuôi như chó, mèo, gà, ngỗng tấn công. Những tổn thương nhỏ như chảy máu, đau nhức, sưng đỏ có thể dẫn đến biến chứng nặng như sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, uốn ván. Đặc biệt, bệnh uốn ván rất nguy hiểm, nếu chẩn đoán không đúng, xử trí không kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh.
Người dân không chủ quan với vết thương hở dù nhỏ, nên đi chích ngừa nếu trước đó chưa được chủng ngừa đầy đủ. Ngừa uốn ván bằng cách tiêm hai mũi cách nhau một tháng, 6-12 tháng tiếp theo chích thêm một mũi. Nhắc lại mỗi 5-10 năm giúp tạo đủ kháng thể phòng bệnh. Phụ nữ có thai cần được tiêm phòng uốn ván chủ động để phòng ngừa uốn ván sơ sinh cho con.
PN (SHTT)