3 lần xét nghiệm cho kết quả giống nhau nhưng vẫn không tin đó là sự thật
Lững thững bước ra từ một trung tâm xét nghiệm ADN, anh Hồ Văn Hà (42 tuổi, ở Hà Nội) không thể tin được rằng, đứa con trai suốt 10 năm qua anh rất mực yêu thương lại không phải con đẻ của mình. Người đàn ông này cho biết, vợ anh làm thư ký cho một công ty xuất nhập khẩu, thường xuyên phải ra nước ngoài công tác.
Khoảng 2 năm trở lại đây, khi vợ anh lên chức lại thường xuyên đi công tác, rồi đi sớm về khuya, những lời đồn thổi về việc chị có quan hệ ngoài luồng xuất hiện ngày càng nhiều. Cho đến khi mọi người nói: “Chắc gì thằng nhỏ đã là con anh? Khéo lại nuôi con tú hú”, anh bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn và quyết định lấy mẫu đi xét nghiệm.
“Tôi xét nghiệm đến lần này là lần thứ 3, ở 3 nơi khác nhau rồi. Tất cả đều cho kết quả không cùng huyết thống. Tôi chỉ mong kết quả là sai, nhưng các trung tâm đều khẳng định không hề có sự nhầm lẫn nào”, anh Hà buồn bã nói. Theo anh Hà, 10 năm nuôi dưỡng chăm sóc một đứa trẻ không phải đơn giản, ít nhiều cũng có tình cảm cha-con. Hơn nữa, đứa trẻ không hề có tội nhưng giờ đây anh cũng chưa biết sẽ phải đối diện với sự thật đó như thế nào?
Đại tá Hà Quốc Khanh - nguyên Giám đốc Trung tâm giám định ADN (Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an), cố vấn chuyên môn của Công ty Cổ phần Dịch vụ Phân tích Di truyền Gentis cho biết, những trường hợp như của người chồng trên không hề hiếm gặp và thực tế không phải ai cũng đủ bản lĩnh, lòng vị tha để chấp nhận sự thật đó.
Suốt nhiều năm làm trong lĩnh vực xét nghiệm, giám định ADN, ông Khanh đã gặp nhiều trường hợp bị vợ "cắm sừng", nhưng chỉ một số ít là chấp nhận sự thật và coi đó là bí mật của riêng mình. Điển hình như trường hợp của người đàn ông tên Doanh Hậu (38 tuổi, ở Hà Nội) đến xét nghiệm ADN huyết thống cha-con với 2 đứa con (một trai, một gái).
Sở dĩ anh Hậu muốn xét nghiệm vì có những lời xì xào không hay về vợ mình, đồng thời qua quan sát anh nhận thấy hai đứa con có nhiều đặc điểm về ngoại hình không giống nhau. Kết quả xét nghiệm khiến anh Hậu không khỏi bất ngờ khi bé gái đầu không cùng huyết thống với anh, còn bé trai là con ruột của anh. Cầm kết quả trên tay, anh Hậu trầm ngâm suy nghĩ một hồi lâu, sau đó xé nhỏ tờ xét nghiệm bỏ vào thùng rác và nói: "Coi như tôi chưa từng xét nghiệm. Mọi người hãy giúp tôi giữ kín bí mật này".
Anh Hậu tâm sự rằng, hai đứa trẻ lớn lên cùng nhau, sống rất tình cảm với nhau vì thế anh không muốn phải chia cắt chúng. Còn với người vợ, từ khi về làm dâu nhà anh, cả họ chưa ai chê chị câu nào và hai vợ chồng vẫn rất yêu thương nhau. Vì thế, anh chấp nhận sự thật này để các con có đủ mẹ cha, gia đình không phải li tán. Còn những tin đồn - người ta nói mãi khắc chán rồi tự ngừng lại thôi. Quyết định của anh Hậu khiến cho những người ở trung tâm bất ngờ, nhưng cũng vô cùng cảm phục anh về sự hy sinh, lòng vị tha của một người chồng, người cha.
Nếu không có quan hệ huyết thống sẽ cho kết quả chính xác 100%
Đại tá Hà Quốc Khanh cho biết, quả thực khi biết một sự thật nào đó liên quan tới gia đình mình, nhất là từ kết quả xét nghiệm ADN, mỗi người sẽ có cách ứng xử khác nhau như đau thương, phẫn nộ, căm hờn hoặc cảm thông... Bản thân ông Khanh từng tiếp xúc với nhiều trường hợp, nhưng ông luôn tôn trọng quyết định của khách hàng. Ông cho rằng, việc xét nghiệm ADN chỉ mang giá trị về khoa học khi xác định được huyết thống, chứ không phải là yếu tố quyết định trong mối quan hệ gia đình.
Thực tế, nhiều trường hợp xác định huyết thống bắt đầu từ những tin đồn và đứa trẻ sẽ là trung tâm. Thế nhưng, đứa trẻ lại không hề có tội. Do vậy, khi có kết quả xét nghiệm dù như thế nào thì cũng cần phải suy nghĩ thấu đáo mọi vấn đề như sự cảm thông, sự sẻ chia hay tình thương yêu của bản thân với đứa trẻ... để từ đó đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Còn về độ chính xác khi xét nghiệm ADN huyết thống, đại tá Hà Quốc Khánh cho biết, hệ gen của mỗi người trên thế giới là không giống nhau. Dữ liệu gen của mỗi người đều được thừa hưởng một nửa từ bố và một nửa từ mẹ. Do đó, thông qua việc phân tích ADN của các cá nhân rồi tiến hành so sánh sẽ biết được các đối tượng đang trong diện nghi ngờ có thực sự có mối quan hệ huyết thống cha con với nhau hay không.
Quá trình xét nghiệm sẽ phân tích thông tin ADN ở 23 cặp nhiễm sắc thể của hai hay nhiều cá thể người để xác định mối quan hệ di truyền, từ đó xác định được mối quan hệ huyết thống. Đây là phương pháp xác định chính xác hiện nay.
“Kết quả xét nghiệm ADN đảm bảo độ chính xác cao lên đến 100% đối với trường hợp không có quan hệ huyết thống và đảm bảo độ chính xác lên đến 99,9% đối với trường hợp có quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, để có được kết quả này phải dựa trên nhiều yếu tố từ con người, quy trình lấy mẫu, đến phòng lab, hệ thống giải trình tự gene hiện đại…”, ông Khanh cho hay.
Theo ông Khanh, hiện nay các nước trên thế giới đang sử dụng khá nhiều các bộ kit với số lượng locus trong mỗi bộ cũng khác nhau dùng để xác định mối quan hệ huyết thống. Ví dụ các kit phân tích autosomal STR để xác định mối quan hệ huyết thống cha - con, mẹ - con; kit phân tích trên nhiễm sắc thể Y để xác định quan hệ huyết thống theo dòng nội; phân tích trên nhiễm sắc thể X để xác định mối quan hệ bà nội - cháu gái hay chị em gái, hoặc phân tích ADN ti thể để xác định quan hệ huyết thống theo dòng mẹ.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Theo Lê Phương (Phụ Nữ & Pháp Luật)