Bệnh tiểu đường loại 2 là tình trạng cơ thể gặp vấn đề khi điều chỉnh và sử dụng đường làm nhiên liệu, dẫn đến quá nhiều đường lưu thông trong máu. Lượng đường huyết cao dễ dẫn đến rối loạn hệ tuần hoàn, thần kinh và miễn dịch.
Số ca mắc tiểu đường loại 2 chiếm khoảng 90% số bệnh nhân, thường gặp ở người lớn. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trẻ béo phì khiến bệnh tiểu đường loại 2 có xu hướng trẻ hóa.
Theo Mayo Clinic, hiện chưa có cách chữa trị căn bệnh trên. Giảm cân, ăn uống lành mạnh, tập thể dục, dùng thuốc và liệu pháp insulin sẽ giúp kiểm soát bệnh.
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2 thường phát triển chậm. Một người có thể mắc bệnh nhiều năm mà không hề biết. Triệu chứng khi bộc lộ bao gồm cơn khát tăng dần, đi tiểu thường xuyên, nhanh đói, sụt cân nhanh chóng, mệt mỏi, nhìn mờ, vết thương lâu lành, nhiễm trùng thường xuyên, tê hoặc ngứa ran ở tay chân, da sẫm màu (nách, cổ),
Biến chứng tới các bộ phận khác
Kiểm soát lượng đường trong máu có thể giảm nguy cơ mắc các biến chứng dưới đây:
Bệnh tim mạch: Bệnh tiểu đường có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, huyết áp cao, hẹp mạch máu, xơ vữa động mạch.
Tổn thương thần kinh ở tay chân: Lượng đường trong máu cao theo thời gian có thể làm tổn thương hoặc phá hủy dây thần kinh. Điều đó dẫn đến ngứa ran, tê, nóng rát, đau hoặc cuối cùng là mất cảm giác, thường từ đầu ngón chân hoặc ngón tay dần lan lên trên.
Các tổn thương thần kinh khác: Tổn thương thần kinh góp phần làm nhịp tim không đều; buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón; rối loạn cương dương.
Bệnh thận: Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến bệnh thận mạn tính hoặc giai đoạn cuối, cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Tổn thương mắt: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về mắt như đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp, tác động xấu tới võng mạc, có khả năng dẫn đến mù lòa.
Chậm lành vết thương: Nếu không được điều trị, các vết cắt và mụn nước sẽ nhiễm trùng khó lành. Trường hợp nghiêm trọng có thể phải cắt cụt ngón chân, bàn chân hoặc chân.
Ngưng thở lúc ngủ: Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Béo phì là yếu tố góp phần chính cho cả hai tình trạng này.
Ngăn ngừa
Lựa chọn lối sống lành mạnh có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2. Nếu một người được chẩn đoán tiền tiểu đường, việc thay đổi lối sống có thể làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển thành bệnh tiểu đường.
Ăn thực phẩm lành mạnh: Chọn thực phẩm ít chất béo, calo và nhiều chất xơ. Tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc.
Hoạt động tích cực: Đặt mục tiêu dành 150 phút hoặc hơn mỗi tuần cho hoạt động thể dục vừa phải đến mạnh mẽ, chẳng hạn như đi bộ nhanh, đi xe đạp, chạy hoặc bơi lội.
Giảm cân: Nếu bạn thừa cân béo phì, giảm cân để có vóc dáng vừa phải có thể trì hoãn sự tiến triển từ tiền tiểu đường sang tiểu đường loại 2.
Tránh ngồi một chỗ quá lâu: Ngồi yên trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Cố gắng đứng dậy sau 30 phút và di chuyển xung quanh ít nhất vài phút.
Theo An Yên (VietNamNet)