Nhà chồng có 4 người con trai, chồng tôi là con trưởng trong nhà, dưới anh là 3 em trai nữa. Sau khi anh em lập gia đình thì bố mẹ chồng có tới 4 nàng dâu. Do mỗi người một công việc khác nhau nên 4 anh em đều không ở quê cùng với bố mẹ mà ở trên thành phố đi làm.
Bố mẹ chồng làm ruộng, nhà lại đông con nên cho các con ăn học đã là cả 1 sự cố gắng. Do thu nhập thấp nên họ cũng không có đồng ra đồng vào dư dả để hỗ trợ các con. Bởi thế chồng tôi và 3 em biết hoàn cảnh nhà mình như vậy thì rất tự lập cánh sinh.
Sau nhiều năm cố gắng làm lụng 3 em chồng đều mua được nhà chung cư ổn định cuộc sống. Chỉ có vợ chồng tôi suốt mười mấy năm nay vẫn phải thuê nhà. Nguyên nhân là vì chồng tôi bị xuất tinh ngược, vì vậy mãi mà vợ chồng không có mụn con.
Do không xuất tinh được nên tinh trùng không gặp trứng để bắt đầu quá trình thụ thai. Vì thế bao năm nay chồng tôi phải đối mặt với nguy cơ hiếm muộn, vô sinh mặc dù suốt 13 năm qua 2 đứa đã có nhiều biện pháp xử lý, điều trị chuyên khoa nhưng tin vui có con vẫn bặt vô âm tín khiến 2 đứa rất áp lực.
Vì nguyên nhân này mà bao nhiêu tiền của kiếm được hàng tháng, chúng tôi đổ dồn hết cho những đợt thuốc thang và các lần điều trị. Kết quả vẫn là con số 0 khiến anh thất vọng muốn từ bỏ chữa trị nhưng tôi ở bên động viên không được bỏ cuộc.
Thấy các con vất vả chữa hiếm muộn nên bố mẹ chồng tôi thương lắm. Cứ mỗi đợt điều trị, ông bà lại sốt ruột gọi điện ra hỏi han. Có lần về quê, dù không có tiền ông bà vẫn cho 5-10 triệu để cho các con chữa bệnh. Ông bà còn bảo đừng kể với ai vì sợ các con dâu khác không hiểu lại tị nạnh.
Có lẽ ông trời không phụ lòng người, sau 13 năm hiếm muộn chúng tôi may mắn được đón nhận tin vui có bầu bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF). Tin vui này khiến vợ chồng tôi phấn khởi, bố mẹ 2 bên cũng mừng vui. Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu thì gia đình lại phải đối mặt với 1 biến cố khác: mẹ chồng phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối.
Nghĩ mẹ chồng luôn thương tôi nhất trong mấy con dâu, các em dâu, em chồng bận đi làm nên tôi dù bầu bí vẫn bàn với chồng xin nghỉ làm để về quê chăm mẹ anh những ngày cuối đời.
Gần 2 tháng ở quê chăm mẹ chồng bệnh nặng nhưng cuối cùng bà cũng không qua khỏi. Trước khi rời đi, bà còn nắm tay con dâu cho riêng tôi 1 chỉ vàng vì bà bảo dâu bầu bí mà quá hiếu nghĩa, không ngại vất vả chăm mẹ ngày cuối đời.
Sau khi bà mất, tôi rất quý trọng kỷ vật cuối cùng của mẹ chồng nên luôn mang theo bên người. Hôm trước tình cờ em dâu phát hiện ra tôi có 1 chỉ vàng của mẹ chồng trong tay, 3 em ấy một mực vu vạ cho chị dâu ăn trộm của mẹ chồng quá cố.
Tôi có giải thích như nào họ cũng không nghe, còn bảo bố mẹ chồng tuy nghèo nhưng không bao giờ sống thiên vị, có của cho dâu cả mà lại không cho các dâu khác được.
Tất nhiên những lời không hay này đã lan truyền đến hết cả xóm nhà tôi. Đi đâu ai cũng xì xào về chuyện con dâu trưởng chăm sóc mẹ chồng ốm rồi lấy trộm vàng của bà trước khi mất khiến tôi rất mệt mỏi, stress đến độ muốn trầm cảm. Thậm chí hôm trước vì quá buồn rầu bị vu vạ mà suýt làm sảy thai, may tôi được chồng đưa đến viện kịp thời.
Bác sĩ cũng khuyên tôi phải mau chóng thoát khỏi những suy nghĩ nặng nề vì chúng rất nguy hiểm trong giai đoạn mang bầu và sắp sinh này. Đáng lưu ý nhất là bác sĩ lo ngại stress quá khiến tôi có thể bị sảy thai bất cứ lúc nào.
Thật sự tôi không muốn nghĩ ngợi gì, cũng muốn thai kỳ an vui để đủ ngày đủ tháng vượt cạn đón con chào đời nhưng có quá nhiều thứ hiện nay khiến tôi không thoát ra được tâm trạng tồi tệ. Tôi phải làm sao đây để thoát khỏi những stress?
Stress tăng nguy cơ sảy thai
Các minh chứng khoa học đã đưa ra bằng chứng cho thấy, stress sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra một loại hormone trong máu làm tăng nguy cơ sảy thai. Hơn thế, tâm trạng người mẹ không tốt khi mang thai sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bào thai sau này. Vì vậy, mẹ bầu nên bằng nhiều cách để loại bỏ và khống chế stress đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho em bé trong bụng.
Làm quen với những thay đổi
Chuột rút, đau lựng, ợ nóng, chóng mặt… là một vài trong hàng tá những vấn đề mà chị em phụ nữ khi mang thai sẽ phải đối đầu. Chính vì thế, bạn nên sớm học cách làm quen với những thay đổi tiêu cực đó của cơ thể. Nếu đấy là vấn đề bạn cảm thấy thực sự nguy hiểm, khó khắc phục thì hãy chia sẻ vấn đề này với bác sĩ sản khoa để nhận được lời khuyên hữu ích về cách vận động thể chất, dinh dưỡng cũng như dùng các loại thuốc hợp lý trong giai đoạn đặc biệt này.
Quan tâm đến giấc ngủ
Ngủ là thời điểm cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn và loại bỏ mệt mỏi, căng thẳng. Bà bầu cần đảm bảo thời lượng giấc ngủ khoảng 8-9 tiếng/ngày. Nếu bị “nghén ngủ” thì nên tranh thủ chợp mắt khoảng 15-20 phút sẽ có thể để xua tan cảm giác buồn ngủ.
Ăn uống lành mạnh
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và bé. Một chế độ dinh dưỡng hoàn hảo trong giai đoạn thai kỳ sẽ có tác động tích cực đến quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Thực đơn ăn uống của bà bầu nên thay đổi đa dạng để đảm bảo toàn diện các chất dinh dưỡng, chống lại những cơn nghén và loại bỏ rắc rối về sức khỏe đối với thai kỳ. Ngoài việc quan tâm bổ sung các loại thực phẩm giàu dưỡng chất và đa dạng, bạn còn cần quan tâm đến hàm lượng vitamin, acid folic, sắt để giúp cho bào thai đầy đủ chất dinh dưỡng, nuôi bào thai một cách toàn diện nhất.
Tập luyện theo thể trạng
Thật sai lầm khi nhiều người cho rằng phụ nữ mang thai nên “nói không” với việc tập luyện bởi nó làm tăng nguy cơ sảy thai, động thai… Ngược lại, tập luyện phù hợp với thể trạng sức khỏe là điều cần thiết với phụ nữ mang thai, đem lại những “điểm cộng” tuyệt vời cho cả mẹ và bé.
Theo các chuyên gia tập luyện 30 phút/ngày có tác dụng chống lại táo bón, đau đầu - là những rắc rối thường gặp nhất ở giai đoạn mang thai. Tập luyện cũng là “liều thuốc ngủ” tuyệt vời giúp bạn dễ dàng ngủ và ngủ ngon hơn. Cuối cùng hãy nhớ rằng tập luyện sẽ không gây hại cho sức khỏe của bà bầu nếu tuân thủ theo những nguyên tắc an toàn và phù hợp với thể trạng của mình.
Theo Thảo Nguyên (Tri thức & Cuộc sống)