Đại diện Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết theo số liệu ước tính, tổng tỷ suất sinh năm nay của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra (2,1 con/phụ nữ). Đây là số liệu được công bố tại Lễ kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12 và tổng kết công tác dân số năm 2023.
Ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số, cho biết giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng Việt Nam “nhanh hơn thế giới” và ngày càng rõ nét. Nếu những năm trước, phụ nữ thành thị sinh hơn 1,7 con, hai năm gần đây, mức sinh xuống thấp dưới 1,7. Ở nông thôn, mức sinh năm 2023 ước tính cũng xuống dưới mức sinh thay thế, trong khi vài năm trước, con số này tiệm cận mức 2,4.
Tình trạng báo động nhất là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ). Cả nước hiện chỉ còn vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ mức sinh còn cao.
Thực tế, trong 3 năm qua, mức sinh trung bình của 21 tỉnh/thành phố thuộc vùng mức sinh thấp đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, một số địa phương có xu hướng tiếp tục giảm sâu như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương, TP.HCM.
“Theo ước tính, năm 2023 mức sinh của TP.HCM là 1,27 con/phụ nữ, rất thấp; phụ nữ ở tỉnh Hậu Giang cũng chỉ sinh khoảng 1,5 con”, ông Sơn nói.
Các tỉnh thuộc vùng mức sinh cao tiếp tục biến động khó lường. Hiện chỉ còn 4 địa phương trong nhóm 9 tỉnh đạt mức sinh thay thế (năm 2020) giữ vững kết quả, gồm Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Định.
Tỷ lệ tăng dân số Việt Nam có nguy cơ về âm
Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê, ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0. Trong khi nếu ở phương án mức sinh thấp, chỉ 35 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với thực tế tỷ lệ tăng dân số ở mức âm.
“Trong bối cảnh suy giảm dân số toàn cầu, nếu nước ta duy trì vững chắc mức sinh thay thế sẽ ổn định quy mô dân số trên 100 triệu dân. Nếu không duy trì được và giảm sinh thì Liên Hợp Quốc dự báo năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng tỉnh Nghệ An bây giờ. Đến năm 2700, Việt Nam chỉ còn vài chục nghìn người”, ông Sơn nói.
Theo vị chuyên gia, mức sinh không phải là câu chuyện “đẻ ít đẻ nhiều” mà việc tái sản xuất dân số còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc.
Về lâu dài, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Mức sinh thấp hôm nay sẽ trở thành gánh nặng trách nhiệm cho thế hệ những đứa trẻ là "con một" trong tương lai, khi phải gánh vác an sinh cho một xã hội già, siêu già, đồng nghĩa thiếu hụt nguồn lao động.
Do đó, theo đại diện Cục Dân số, với vùng mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con; Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng...
Việc hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình, hỗ trợ phụ nữ khi mang thai và sinh con; hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con cũng là nội dung cần thí điểm, theo Cục Dân số.
Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số năm 2023 và kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12, Bộ Y tế chọn chủ đề: "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước".
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, điều này nhằm tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về việc sức khỏe người dân, chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đối với lớp trẻ, nhóm đối tượng thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe. Qua đó, phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh...
Theo Võ Thu (VietNamNet)