Nhắc đến những loại thực phẩm không thể thiếu vào dịp Tết Nguyên đán của các gia đình Việt, chắc chắn không thể không kể tới những chiếc bánh chưng. Bánh chưng từ lâu còn được xem là thức quà truyền thống của Tết Nguyên đán Việt Nam. Mỗi gia đình đều cần có ít nhất 1 chiếc bánh chưng để thắp hương lên ban thờ gia tiên vào thời điểm trọng đại của năm mới như lễ cúng giao thừa, lễ cúng ngày Mồng 1 Tết, lễ thắp hương ngày hết Tết hay còn thường được gọi là ngày hóa vàng.
Tuy nhiên, nhiều gia đình cho biết họ không thể ăn hết một chiếc bánh chưng cỡ thường ngay từ lần đầu tiên bóc vỏ. Bởi vậy, bánh chưng sẽ thường được cho vào các loại hộp, bát hoặc đĩa, đậy nắp hoặc bọc kín rồi bảo quản trong tủ lạnh hoặc nhiệt độ phòng. Vậy bánh chưng đã bóc vỏ thì sẽ để được thêm bao lâu? Đó cũng chính là băn khoăn của nhiều người, nhiều gia đình vào dịp Tết Nguyên đán.
Chuyên gia đưa ra tư vấn về thời gian lưu trữ bánh chưng
Trả lời cho câu hỏi: "Bánh chưng đã bóc vỏ thì để thêm được bao lâu", Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Khám Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, con số sẽ vào khoảng 3-4 tuần nếu gia đình bảo quản đúng cách.
Cụ thể, bánh chưng dù đã được bóc vỏ hay chưa, nếu muốn để lâu, đảm bảo không bị hỏng, mốc hay vi khuẩn xâm nhập thì nên được bảo quản trong tủ lạnh. Gia chủ có thể đặt trong ngăn mát, nhiệt độ lý tưởng nên được duy trì ở mức 4 độ C. Khi cất vào tủ lạnh, bánh chưng sẽ đông cứng lại. Hiện tượng này còn được gọi là lại gạo. Tuy nhiên người dùng không cần quá lo lắng, bởi khi có nhu cầu sử dụng tiếp, chỉ cần lấy bánh ra, rã đông rồi hấp hoặc rán là được.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bánh chưng là một trong những thực phẩm tự làm từ khâu chế biến đến bảo quản. Vì vậy, hạn sử dụng như thế nào là do mỗi gia đình quyết định. Song xét về nguyên tắc, bất kỳ loại thực phẩm nào đã chế biến (với bánh chưng là luộc), thì càng để lâu thì độ thơm ngon hay thành phần, hàm lượng chất dinh dưỡng sẽ đều bị biến chất và giảm đi. Bởi vậy, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoan khuyên rằng, bánh chưng ăn ngon nhất trong khoảng 1 tuần trở lại. Nhiệt độ bên ngoài môi trường cao sẽ khiến nhân bánh dễ bị chảy nước, bốc mùi, xuất hiện vi khuẩn, nấm mốc...
Chính vì vậy, từ lời khuyên từ các chuyên gia, các gia đình tốt nhất nên ăn hết bánh chưng trong khoảng 1 tuần. Nếu vẫn muốn cất đi, bảo quản lâu hơn, hãy để trong tủ lạnh và bọc kín. Thời gian bảo quản không nên quá 1 tháng, đặc biệt với những chiếc bánh chưng đã cắt dở. Nếu để bánh chưng bên ngoài nhiệt độ phòng, thời gian sẽ chỉ được từ 3-7 ngày, tùy vào tình hình thời tiết.
Bên cạnh đó, khi thấy bánh chưng có những dấu hiệu lạ như bánh chảy nước, có mùi ôi, xuất hiện nhớt ở vỏ bánh hay xuất hiện các đốm đen lạ, lúc này có nghĩa là bánh chưng đã bị vi khuẩn xâm nhập. Khi bánh đã hỏng, người dùng không nên cố luộc hay rán để sử dụng tiếp, hay không nên cắt bỏ phần có dấu hiệu lạ đi. Thay vào đó, hãy bỏ bánh đi. Việc tiếp tục sử dụng bánh chưng có dấu hiệu lạ rất dễ gây ra các chứng ngộ độc, rối loạn tiêu hóa...
Với những gia đình có mong muốn lưu trữ bánh chưng trong thời gian dài, lên tới vài tháng, có thể tham khảo các loại bánh chưng được làm theo công nghệ đặc biệt, khi giao đến được đóng gói hút chân không. Theo chia sẻ của một số đơn vị sản xuất, các loại bánh chưng này thậm chí có thời gian để lên tới 6 tháng dù không có chất bảo quản.
Một số gợi ý món ngon từ bánh chưng
Nếu đã quán quen thuộc với bánh chưng luộc hay rán trong dịp Tết Nguyên đán, hãy tham khảo ngay một số gợi ý dưới đây để chế biến bánh chưng theo cách độc đáo, mới lạ hơn nhưng cũng không kém phần ngon miệng
Bánh chưng xào: Bánh chưng cắt miếng chiên sơ qua, sau đó xào cùng thịt lợn, hành tây, cà rốt, giá đỗ và các loại gia vị. Đây là món ăn kèm thú vị cho bữa cơm hàng ngày.
Chả bánh chưng: Nghiền bánh chưng và trộn đều với thịt xay, mộc nhĩ, hành tím băm nhỏ, trứng gà, tiêu, nước mắm. Tạo hình từ hỗn hợp thành từng viên chả rồi đem hấp hoặc chiên chín.
Bánh chưng trộn: Cắt bánh chưng thành từng miếng nhỏ, trộn cùng dưa leo, đậu phộng rang, thịt lợn quay hoặc giò lụa thái mỏng, rưới nước mắm pha chua ngọt và rắc thêm ít rau mùi, hành phi để tăng hương vị.
Cơm cháy bánh chưng: Dùng bánh chưng cắt mỏng, chiên giòn rồi dùng như cơm cháy ăn kèm với nước mắm gừng hoặc tương ớt.
Theo Thu Phương (Đời Sống & Pháp Luật)