Một ngày cuối tháng 9 vừa qua, chị Nguyễn Thanh Châu (36 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đang loay hoay trong bếp chuẩn bị bữa tối thì chuông điện thoại reo.
Chị Châu bắt máy, đầu dây bên kia một giọng đàn ông giới thiệu là nhân viên của siêu thị Điện máy xanh. Người này nói: “Điện máy xanh đang có chương trình tặng quà tri ân cho khách hàng thân thiết. Chị nằm trong danh sách khách hàng được nhận quà. Sau cuộc gọi của em, bạn Bùi Thị Ngọc Ánh sẽ gửi thông tin quà qua Zalo để chị chọn”.
Chị Châu liền liên tưởng đến cuộc gọi lừa đảo, muốn nhận được quà phải chuyển khoản tiền phí. Chị liền từ chối tham gia thì nam nhân viên nhanh chóng khẳng định: “Chị đừng lo lắng, bên em tặng quà tri ân thật, không nhận bất cứ khoản thanh toán nào cả, thậm chí miễn phí giao quà tận nhà. Bên em tặng quà thật, không phải lừa đảo”.
Ngay sau cuộc gọi, chị Châu nhận được lời mời kết bạn qua Zalo của tài khoản Bùi Thị Ngọc Ánh.
“Tài khoản Zalo Bùi Thị Ngọc Ánh có hình ảnh, thông tin rõ ràng. Thế nên, tôi không nghi ngờ đây là tài khoản giả mạo.
Chủ nhân tài khoản Zalo trên giới thiệu là nhân viên phụ trách việc tặng quà cho khách hàng. Người này hỏi tôi: Có phải chị vừa nhận được cuộc gọi từ nhân viên bên em?
Tôi trả lời: 'Đúng rồi em' thì nhận được hình ảnh 25 món quà kèm mã số. Người này hướng dẫn tôi chọn 1 món quà và gửi thông tin cá nhân, mã quà để nhân viên đưa quà đến”, chị Châu kể lại.
Lúc này, chị Châu hoàn toàn tin tưởng, hào hứng chọn món quà yêu thích. Chị bắt đầu mất cảnh giác, bởi gia đình chị thường xuyên mua hàng ở Điện máy xanh.
25 món quà mà người này gửi đều là các sản phẩm đang có bán tại các trung tâm của Điện máy xanh, giá trị không cao. Điều này khiến chị Châu lún sâu vào chiêu lừa của kẻ xấu.
Dùng địa chỉ cơ quan công an làm phép thử
Trong lúc chị Châu đang chọn quà, chồng chị đề nghị được xem và tham gia lựa chọn. Chị Châu thích chiếc chảo không dính, còn chồng lại chọn ấm đun siêu tốc.
Không tìm được tiếng nói chung, vợ chồng chị quyết định lên trang web của Điện máy xanh xem chi tiết quà tặng để chọn món quà phù hợp.
Tuy nhiên, trang chủ của siêu thị điện máy này không có bài giới thiệu về chương trình tặng quà tri ân khách hàng. Điểm lạ đó giúp chị Châu tỉnh táo, suy nghĩ cách kiểm tra thông tin chương trình.
“Tôi liền gọi cho tổng đài của Điện máy xanh. Nhân viên tư vấn khẳng định, thời điểm đó, hệ thống cửa hàng không có chương trình tặng quà tri ân khách hàng.
Đồng thời, họ cảnh báo đã nhận được nhiều phản hồi từ khách hàng bị kẻ xấu lừa đảo với hình thức tương tự.
Nữ nhân viên trực tổng đài hướng dẫn tôi gửi số điện thoại giả danh để họ xử lý”, chị Châu thuật lại.
Đến lúc này, chị Châu biết chắc mình đã bị đối tượng lừa đảo giăng bẫy. Tuy nhiên, chị vẫn muốn biết những bước tiếp theo kẻ xấu sẽ thực hiện như thế nào. Vì vậy, chị giả vờ nhắn thông tin cá nhân và mã quà tặng cho tài khoản Bùi Thị Ngọc Ánh.
Trong đó, chị Châu cung cấp thông tin cá nhân giả và lấy địa chỉ của cơ quan công an làm địa điểm nhận quà, gửi cho đối tượng lừa đảo.
Thông tin vừa gửi đi, chị Châu được đối tượng phản hồi ngay lập tức. “Không phải con người đang thao tác, đó là phần mềm ảo, giả danh”, chị Châu nhận định.
Đúng như suy đoán, tài khoản Bùi Thị Ngọc Ánh gửi cho chị Châu một đường link đăng nhập Telegram. Người này giới thiệu đó là tài khoản của trợ lý Hồng Ngọc - người sẽ gửi quà.
Trong lúc chị Châu phân vân nên làm gì tiếp theo, tài khoản tên Ánh gửi thêm tin nhắn có nội dung: “Sau khi xác nhận thành công với trợ lý, anh chị vui lòng không thanh toán khoản phí nào, kể cả phí vận chuyển và lấy mã nhận quà lì xì từ 20.000 đồng - 100.000 đồng của nhà tài trợ và có cơ hội trúng thưởng máy giặt, máy lạnh, tủ lạnh…”. Đây là chiêu thức cuối cùng mà kẻ lừa đảo nhắm vào lòng tham của nạn nhân.
Không chờ “con mồi” trả lời, tài khoản này tiếp tục gửi câu hỏi: “Chị đã có ứng dụng Telegram để liên hệ với trợ lý chưa?”.
Đến đây, chị Châu không còn đủ kiên nhẫn và biết chắc nếu đăng nhập vào các link mà kẻ xấu gửi thì số tiền hàng chục triệu đồng trong tài khoản ngân hàng sẽ “không cánh mà bay”.
Thế nên, chị Châu chặn tài khoản Bùi Thị Ngọc Ánh. Đồng thời, chị chọn tính năng Báo xấu để gửi thông báo tài khoản lừa đảo đến nhà phát hành (Zalo).
“Sau khi nhận được thông báo từ tôi, Zalo đã khóa tài khoản Bùi Thị Ngọc Ánh. Thao tác này thực sự rất đơn giản nhưng hữu ích, ngăn chặn đối tượng dùng tài khoản giả mạo đó tiếp tục lừa đảo người khác.
Nhiều người phát hiện bị lừa đảo thường bỏ qua bước Báo xấu đến nhà phát hành mạng xã hội. Vì vậy, tình trạng lừa đảo qua mạng tiếp diễn phức tạp.
Tôi nghĩ một hành động nhỏ của cá nhân đôi khi góp phần ngăn chặn hành vi lừa đảo trên không gian mạng”, chị Châu chia sẻ và hy vọng mọi người góp sức ngăn chặn lừa đảo trực tuyến.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Ngọc Lài (VietNamNet)