Ba nắm rau mỗi ngày giúp người phụ nữ chữa bệnh không cần thuốc

15/04/2024 07:52:18

Chỉ sau một năm, chỉ số đường huyết của người phụ nữ giảm mạnh nhờ thói quen ăn rau đều đặn.

Bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng hiệu quả lượng insulin - hormone điều hòa lượng đường trong máu. Tăng đường huyết là hậu quả phổ biến của bệnh tiểu đường và theo thời gian dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2014, có 8,5% người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên mắc bệnh tiểu đường. Năm 2019, bệnh tiểu đường là nguyên nhân trực tiếp gây ra 1,5 triệu ca tử vong trên toàn cầu. 

Dù bệnh có tính chất nguy hiểm nhưng lại có thể giảm mức độ gây hại nhờ thay đổi thói quen sinh hoạt. Chuyên gia dinh dưỡng Li Wanping (Trung Quốc) chia sẻ về một bệnh nhân nhanh chóng giảm được đường huyết nhờ một thói quen trong ăn uống. 

Ba nắm rau mỗi ngày giúp người phụ nữ chữa bệnh không cần thuốc
Chế độ ăn nhiều rau xanh tốt cho người bệnh tiểu đường. Ảnh: Ugaoo

Tác dụng của ba nắm rau mỗi ngày

Theo Chinatimes, người phụ nữ 70 tuổi mắc bệnh tiểu đường đã kiểm soát được mức đường huyết chỉ sau một năm. Khi hỏi kỹ, chuyên gia Li Wanping được biết bệnh nhân thường xuyên ăn ba nắm rau mỗi ngày. Ăn thực vật thường xuyên có thể làm giảm sự biến động của lượng đường trong máu và tăng cảm giác no, giảm lượng tinh bột hấp thụ vào. Ngay cả khi không mắc bệnh tiểu đường, bạn cũng nên ăn đủ rau để ngăn ngừa các bệnh mạn tính và duy trì sức khỏe.

Chuyên gia dinh dưỡng Li Wanping cho biết bệnh nhân rất vui vẻ khi chỉ số đường trong máu được cải thiện rõ rệt. Trước đây, chỉ số HbA1c của bệnh nhân là 8%, hiện chỉ còn 6% đến 6,5%. Chỉ số HbA1c cho thấy mức đường huyết trung bình của một người trong 2-3 tháng, dưới 5,7% là bình thường, từ 5,7% tới 6,4% là tiền đái tháo đường, trên 6,4% là đái tháo đường. 

Điều khiến chuyên gia Li Wanping ngạc nhiên là bệnh nhân có thể kiên trì ăn nhiều rau mỗi ngày trong suốt một năm, không phải ai cũng làm được như vậy. 

Ngoài ra, bác sĩ nội tiết Li Chenyu đề cập rằng trong bữa cơm, bạn nên ăn rau đầu tiên vì rau giàu chất xơ, phải mất thời gian để hấp thụ, do đó tránh được tình trạng lượng đường trong máu tăng đột biến trong thời gian ngắn. Ngoài ra, ăn rau trước còn có thể tăng cường sức khỏe đường ruột, tăng cảm giác no, giảm tổng lượng calo nạp, tốt cho việc giảm cân. 

Ba nắm rau mỗi ngày giúp người phụ nữ chữa bệnh không cần thuốc - 1
Chiếc đĩa minh họa chế độ ăn lành mạnh. Ảnh: Senicessm

Các cách giảm đường huyết khác

Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, lâu dài. Các triệu chứng bao gồm cảm thấy rất mệt mỏi, dễ khát nước, nhìn mờ, thường xuyên đi tiểu. 

Các bác sĩ có thể đưa ra những giải pháp để giảm đường huyết như sau: 

Tích cực vận động: Tập thể dục thường xuyên có thể giữ lượng đường trong máu của bạn ở mức ổn định. 

Uống thuốc theo hướng dẫn: Nếu lượng đường trong máu của bạn luôn ở mức cao, bác sĩ có thể thay đổi lượng thuốc bạn dùng hoặc thời điểm uống. 

Điều chỉnh chế độ ăn uống: Mỗi bữa, bạn có thể tính lượng thức ăn theo đĩa như sau: Một nửa đĩa là các loại rau không chứa tinh bột, chẳng hạn như xà lách, bông cải xanh, súp lơ, bắp cải và cà rốt. Một phần tư đĩa là protein nạc như thịt gà, đậu, đậu phụ hoặc trứng. Phần tư còn lại là carb như ngũ cốc, rau có tinh bột (khoai tây), gạo, mì, sữa chua. Bạn nhớ chọn nước lọc hoặc đồ uống ít calo như trà đá không đường. 

Theo An Yên (VietNamNet)