Quả nhãn là một nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Trong đó, 100 gam (g) quả nhãn tươi có chứa:
- 60 kcal
- 15,14 g carb
- 1,31 g chất đạm
- 1,10 g chất xơ
- 0,10 g chất béo
- 84 mg vitamin C (140% DV - Daily value)
- 266 mg kali (7,6% DV)
- 21 mg phốt pho (2,1% DV)
- 0,17 mg đồng (8,5% DV)
- 0,05 mg magan (2,6% DV)
- 0, 13 mg sắt (0,7% DV).
Các lợi ích sức khỏe của nhãn có thể kể đến như:
- Hỗ trợ hệ miễn dịch
Nhờ hàm lượng vitamin C cao mà quả nhãn được cho là có tác dụng thúc đẩy hệ miễn dịch bằng cách hỗ trợ tạo ra nhiều tế bào bạch cầu hơn và hoạt động như một chất chống oxy hóa, chống lại bệnh tật và các mầm bệnh gây hại.
- Sức khỏe tim mạch
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, kali và các khoáng chất quan trọng khác trong quả nhãn có thể giúp nhãn trở thành lựa chọn tốt cho sức khỏe tim mạch. Kali giúp thư giãn mạch máu và điều chỉnh cân bằng điện giải, từ đó giảm nguy cơ huyết áp cao, đau tim và đột quỵ ở người khỏe mạnh.
Trong cùi nhãn còn có vitamin PP, một chất có tác dụng làm tăng độ bền và độ đàn hồi của mạch máu, giúp cho quá trình tuần hoàn máu tốt hơn.
- Cải thiện tiêu hóa
Nhãn tươi và long nhãn đều là một nguồn chất xơ tốt. Chất xơ có tác dụng giúp tăng cường khối lượng phân, bình thường hóa nhu động ruột cũng như cải thiện sức khỏe đường ruột một cách tổng thể.
- Chống căng thẳng và cải thiện tâm trạng
Theo Y học cổ truyền Trung Quốc thì quả nhãn được sử dụng từ lâu trong nhiều bài thuốc giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Điều này là nhờ nhãn giàu vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ có thể giảm stress bằng cách giảm mức độ của hormone cortisol trong cơ thể.
Hơn nữa, nhãn cung cấp magie, một khoáng chất quan trọng giúp điều hòa hệ thần kinh và cải thiện chất lượng giấc ngủ, từ đó giúp giảm căng thẳng. Magie còn hỗ trợ sản xuất serotonin, còn được gọi là hormone hạnh phúc, có vai trò trong việc cải thiện tâm trạng và giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn.
- Chống lão hóa
Hoạt chất flavoprotein trong cùi nhãn có công dụng tăng cường hoạt tính của các tế bào thần kinh não.
Ngoài các tác dụng kể trên thì ăn nhãn cũng giúp cung cấp năng lượng nhờ giàu đường tự nhiên.
Ai không nên ăn nhiều nhãn?
Tuy ăn nhãn có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng nên ăn nhãn. Những nhóm người không nên hoặc cần hạn chế ăn nhiều nhãn bao gồm:
1. Người mắc bệnh tiểu đường
Tiểu đường, hay còn gọi là đái tháo đường, là căn bệnh mãn tính xảy ra khi cơ thể không thể tạo ra lượng insulin cần thiết hoặc không sử dụng được insulin hiệu quả, khiến glucose dồn ứ trong máu thay vì được chuyển hóa thành năng lượng trong tế bào. Tình trạng này, nếu không được quản lý đúng cách, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Người mắc bệnh tiểu đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn nhãn do nhãn có hàm lượng đường cao, dễ làm tăng đường huyết một cách đột ngột và gây nguy hiểm.
2. Người bị nóng trong, mụn nhọt, nhiệt miệng
Rất nhiều người thắc mắc "ăn nhãn có nóng không". Theo Đông y, nhãn có vị ngọt, tính ấm, không độc, bổ ích tâm tỳ, gia tăng trí nhớ và tuổi thọ. Vì vậy nếu ăn quá nhiều nhãn (tăng thêm tính "nhiệt") có thể gây nóng trong khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, mụn nhọt hay nhiệt miệng cũng lâu lành hơn.
3. Người béo phì
Béo phì là tình trạng cơ thể tích tụ một lượng mỡ thừa đến mức có thể gây hại cho sức khỏe. Nó được định nghĩa thông qua chỉ số BMI (Body Mass Index – Chỉ số khối cơ thể), nếu BMI từ 30 trở lên thì được coi là béo phì. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, huyết áp cao, các vấn đề về xương khớp và một số loại ung thư.
Người béo phì không nên ăn nhiều nhãn vì nhãn có hàm lượng đường cao, có thể làm tăng lượng đường trong máu và năng lượng dư thừa sẽ được chuyển hóa thành mỡ, gây tăng cân thêm. Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều đường cũng làm tăng nguy cơ tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến cân nặng và chuyển hóa vốn đã là nguy cơ của người bị béo phì.
Điều này cũng cho thấy người đang cần kiểm soát cân nặng hay quản lý lượng đường nạp vào cơ thể cũng không nên ăn nhãn quá nhiều.
4. Người bị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ bất thường của chất béo trong các tế bào gan. Điều này có thể dẫn đến viêm gan và cuối cùng là xơ gan nếu không được điều trị. Có hai loại chính: gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Nhãn giàu đường fructose. Việc tiêu thụ lượng lớn đường fructose có thể thúc đẩy quá trình tích lũy mỡ trong gan tăng gấp đôi. Hơn nữa, ăn nhiều nhãn trong tình trạng gan đã bị quá tải với chất béo - điều này có thể làm tăng gánh nặng cho gan, gây khó khăn trong việc xử lý và loại bỏ chất béo, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh gan nhiễm mỡ.
Vì vậy, những người bị bệnh gan nhiễm mỡ cần hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu đường fructose như xoài, nhãn, vải, đào...
5. Cao huyết áp
Với người khỏe mạnh thì ăn nhãn có tác dụng tăng cường và hỗ trợ sức khỏe tim mạch, nhưng với người bị cao huyết áp, việc ăn nhiều trái cây nhiều đường như nhãn có thể khiến tăng nhiệt, tăng rủi ro béo phì và áp lực lên tim mạch dẫn tới các đợt tăng huyết áp.
Nhìn chung, ăn nhãn hay ăn quá nhiều loại trái cây hơn mức cần thiết cũng không tốt cho sức khỏe. Người khỏe mạnh bình thường cũng chỉ nên ăn 200-300g nhãn mỗi ngày là đảm bảo cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết và cơ thể cũng hấp thụ tối ưu.
Theo Kim Phụng (Nguoiduatin.vn)