Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào.
Nếu bị đột quỵ ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt, làm chất lượng cuộc sống suy giảm. Trong trường hợp nghiệm trọng, bệnh nhân có thể bị tàn phế hoặc thậm chí tử vong.
Theo thống kê, đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ngoài ra, tỷ lệ tái phát đột quỵ cũng tương đối cao, cho dù sử dụng thuốc suốt đời vẫn có khả năng tái phát.
Báo VietNamNet dẫn lời bác sĩ Huỳnh Bá Tản - từng làm tại Trung tâm cấp cứu 115, TP.HCM, cho biết trong suốt thời gian làm công việc cấp cứu ngoại viện, ông nhận thấy tỷ lệ người đột quỵ có xu hướng trẻ hóa và đều có các yếu tố đi kèm:
1. Đàn ông thừa cân, béo phì.
2. Thường xuyên làm việc đêm hôm, trực gác ca đêm, thức khuya xem phim, mất ngủ kéo dài.
3. Căng thẳng, áp lực, lo lắng, biến cố trong cuộc sống.
4. Hút thuốc lá trên nửa gói/ngày, uống rượu bia tối thiểu 1 lần/tuần trong nhiều năm.
5. Môi trường làm việc hoặc nơi sống thiếu oxy: phòng máy lạnh, chung cư, cao ốc, sân khấu đông người, nhà hàng.
6. Tăng huyết áp nhưng không điều trị thường xuyên hoặc không ổn định.
7. Mắc bệnh tiểu đường nhưng không kiểm soát tốt chỉ số đường huyết.
8. Có bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim.
9. Rối loạn chuyển hóa mỡ, kèm một vài bệnh khác như viêm khớp, suy thận.
10. Đàn ông trung niên từng ghi nhận bệnh lý hẹp động mạch cảnh hay mạch máu não cần theo dõi đặc biệt.
Nếu bạn có nhiều yếu tố kể trên như đàn ông trung niên thừa cân, thường xuyên thức khuya hoặc làm việc đêm hôm, căng thẳng, lo lắng và có tiền sử bệnh huyết áp... nguy cơ đột quỵ cũng sẽ tăng lên.
Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ xảy ra
Các biểu hiện của đột quỵ thường diễn ra một cách nhanh chóng va rầm rộ như: miệng bị méo, chân tay bị yếu-liệt (bằng cách giơ hai cánh tay lên để xác định), nói chuyện không rõ tiếng, không nói được. Nếu có một trong 3 triệu chứng trên cần đưa người thân đến cấp cứu trong thời gian vàng.
Giờ vàng để bệnh nhân đột quỵ có thể thoát khỏi “cửa tử” là từ 3 tiếng đến 4,5 tiếng kể từ có các dấu hiệu khởi phát cơn đột quỵ. Nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện cấp cứu và điều trị kịp thời trong khoảng thời gian này, thì nguy cơ tử vong sẽ giảm và hạn chế được các di chứng nặng nề về sau, tăng khả năng hồi phục di chứng sau đột quỵ.
Có nhiều trường hợp đột quỵ mới khởi phát lúc mới ngủ dậy. Tức lúc đi ngủ bình thường, nhưng sáng dậy thì phát hiện có dấu hiệu đột quỵ. Trong trường hợp này, các chuyên gia Nội thần kinh khuyến cáo người nhà không nên chần chừ, hãy đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện dù chưa xác định được bệnh nhân bị đột quỵ vào thời gian nào.
Xử trí khi gặp người bị đột quỵ
– Đỡ người bệnh để không bị té ngã chấn thương.
– Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
– Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
– Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển đến viện xa, trừ khi Bác sĩ có chỉ định, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn.
– Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
– Không cho bệnh nhân ăn.
Phòng ngừa bệnh đột quỵ
Theo các chuyên gia, những người có nguy cơ cao bị tai biến não như người cao tuổi, người tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu (mỡ máu cao), xơ vữa động mạch, người hút thuốc lá… nên áp dụng sớm những biện pháp phòng ngừa.
Ngoài thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, năng tập thể dục, còn phải kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu và đường máu.
Người cao tuổi cần chú ý giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả khi chạy bộ buổi sáng. Và xây dựng cho mình thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ.
Nếu thuộc diện người có nguy cơ đột quỵ cao nên theo dõi sức khỏe thường xuyên, kiểm soát tốt các chỉ số sức khỏe để ngăn ngừa đột quỵ xảy ra.
PN (SHTT)