7 cách tránh phồng rộp chân khi chạy bộ

27/11/2023 10:00:37

Rộp chân là hiện tượng khá phổ biến đối với những người mới chạy, tuy nhiên ngay cả đối với người chạy lâu năm, điều này vẫn có thể xảy ra.

Vết phồng rộp thường xuất hiện do chân cọ xát liên tục trong giày. Ngoài ra, nhiệt và độ ẩm, có thể khiến bàn chân sưng lên. Vết rộp thường sưng, có màu đỏ, đôi khi xuất hiện cả những bọc nước gây cảm giác đau rát.

Mặc dù hầu hết các vết phồng rộp không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng chúng cần được điều trị một cách khoa học. Letha Griffin, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình ở Atlanta, đồng thời là bác sĩ thể thao của Đại học bang Georgia cho biết: "Một vết phồng rộp không chỉ gây đau mà còn có thể bị nhiễm trùng nếu không thể xử lý đúng cách".

Các nguyên nhân gây phồng rộp da

- Mang giày không phù hợp: Nếu bạn mang giày không chuyên dành cho chạy bộ, hay giày quá rộng/quá chật hoặc buộc quá chặt, chân bạn có thể cọ vào giày và gây phồng rộp.

- Da cọ xát với tất: Nếu tất không vừa vặn, không thấm hút mồ hôi và chất liệu có tính ma sát cao, da bạn sẽ dễ xuất hiện các vết phồng rộp.

- Độ ẩm: Da bạn thường xuyên đổ mồ hôi khi chạy hoặc bạn chạy quá lâu dưới trời mưa cũng là nguyên nhân dẫn đến phồng rộp.

7 cách tránh phồng rộp chân khi chạy bộ
Ảnh minh họa

 

Cách ngăn ngừa phồng rộp khi chạy bộ

Chọn giày phù hợp

Chọn size giày phù hợp với kiểu chân là yếu tố cực kì quan trọng để bạn cảm thấy thoải mái và dễ chịu khi chạy. Đi sai kiểu giày là một trong những nguyên nhân gây ra các chấn thương ở chân.

Bạn nên chọn giày phù hợp với mình dựa trên các yếu tố: kích cỡ bàn chân, địa hình tập luyện, khả năng chống sốc của giày, lớp bảo vệ,...Giày chật hay mới mang thường gây ra mụn nước dưới ngón chân và đầu móng chân. Do đó, các chị em cần chọn size giày vừa vặn, hoặc tăng thêm 0,5 số. Khoảng cách giữa ngón chân cái và mũi giày nên là khoảng 1,5cm. Điều này sẽ tạo khoảng trống cho việc chân sẽ to ra khi chạy dài và chuyển động khi chạy xuống dốc.

 

Trước khi mang giày mới để chạy, bạn nên dành thời gian mang thử giày vào chân vài lần để giày có thể dãn ra theo kích cỡ chân, đồng thời chân bạn cũng được cọ xát, làm quen với giày mới. Lưu ý, bạn không nên mang giày mới khi tập những bài chạy dài hoặc khi đi thi đấu.

Mang tất chuyên dụng

Cũng giống như giày, không phải đôi tất nào cũng phù hợp để chạy bộ. Các đôi tất chuyên dụng cho chạy bộ được thiết kế đặc biệt để giảm nguy cơ hình thành mụn nước và được làm từ chất liệu hút mồ hôi, thoáng khí (thường là vải wicking). Những đôi tất quá chật hoặc bị ướt cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng phồng rộp chân. Tất chạy bộ cũng không sử dụng bất kỳ đường may khó chịu nào gây cọ xát khó chịu cho chân.

 

Bạn cũng nên mang tất trước vài lần trước khi bắt đầu chạy một quãng đường trung bình đến dài, hoặc một cuộc thi như marathon. Khi quen với việc sử dụng tất chạy bộ, bạn sẽ cảm nhận được hiệu quả rõ rệt mà nó mang lại.

Giữ da chân luôn khô ráo

Giữ da chân luôn khô ráo cũng là một cách hiệu quả để tránh phồng rộp khi chạy bộ. Nếu bạn mắc chứng phong thấp hoặc là người dễ đổ mồ hôi, hãy cân nhắc sử dụng bột tan (phấn rôm) hoặc một sản phẩm làm da khô ráo chuyên dụng khác để ngăn mồ hôi.

Chăm sóc da bàn chân

Ngược lại với những người hay đổ mồ hôi, người có loại da khô hoặc rất khô cũng dễ nổi mụn nước. Nếu bạn thuộc trường hợp này, hãy cân nhắc sử dụng một số loại kem dưỡng ẩm, giúp duy trì độ ẩm thích hợp và tăng cường hàng rào bảo vệ da. Tuy nhiên, chỉ nên thoa một lượng vừa đủ lúc chạy để tất không bị trơn trượt nhé.

7 cách tránh phồng rộp chân khi chạy bộ - 1
Ảnh minh họa

Băng dán những vùng dễ bị rộp

Để hạn chế phồng rộp khi chạy, bạn có thể sử dụng băng dán quanh các ngón chân hoặc vùng dễ bị rộp để giữ an toàn, giảm cọ xát. Bạn có thể sử dụng các loại miếng dán y tế hoặc băng dán y tế.

 

Không loại bỏ vết chai

Cơ thể bạn sẽ tích tụ những vết chai ở những điểm mà chân chịu nhiều ma sát. Đôi khi bạn muốn loại bỏ chúng ngay vì cảm thấy thiếu thẩm mỹ. Tuy nhiên, dù không đẹp nhưng chúng có vai trò bảo vệ và ngăn ngừa các vết phồng rộp trở nên đau và khó coi hơn.

Để chân dần thích nghi

Bạn chạy càng nhiều, chân của bạn sẽ càng cứng cáp hơn và quen dần với cường độ tập luyện. Tuy nhiên đừng vội vàng mà hãy tăng độ dài quãng đường một cách từ từ để cơ thể thích nghi.

Các mụn nước có thể gây đau nhưng chúng thường tự biến mất sau một hoặc hai ngày. Bạn có thể nghỉ ngơi trong khoảng thời gian đó để chờ vết phồng rộp hồi phục.

Cách xử lý vết phồng rộp

Nếu bạn có một vết phồng rộp lớn, bạn cần xử lý ngay để tránh làm tổn thương bàn chân. Cụ thể, bạn cần một cay kim nhỏ đã khử trùng bằng cồn, chọc thủng vết phồng rộp rồi nhẹ nhàng đẩy rút chất lỏng bên trong ra ngoài. Lưu ý, không khử trùng kim bằng lửa vì các hạt carbon có thể xâm nhập vào da gây kích ứng vết thương.

Sau khi nặn hết dung dịch trong vết phồng, bạn cần băng kín vết thương, tránh để vi khuẩn xâm nhập. Bạn có thể tháo băng định kỳ và ngâm chân trong muối Epsom để hút dịch ra ngoài. Sau khi ngâm, lau khô da thật kỹ và băng lại. Nên giữ băng cho đến khi da săn chắc trở lại.

NT (SHTT)

Nổi bật