Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, dịp Tết là thời điểm sức khỏe có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do nhiều người không kiểm soát được thói quen ăn uống. Bác sĩ Vũ chỉ ra một số thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, cụ thể như sau:
Thức ăn giàu chất béo, cay, chua
Những món ăn chế biến từ thịt nhiều mỡ, dầu mỡ và đồ chiên rán có thể gây gánh nặng cho tiêu hóa, làm tăng lượng chất béo không lành mạnh trong cơ thể, tăng cholesterol. Ngoài ra, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm dạ dày có thể tái phát trong dịp Tết do tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo và cay hoặc có tính axit.
Các món chứa đường, đồ uống có ga và nước ngọt
Ngày Tết, mỗi nhà đều có sẵn bánh mứt, kẹo, nước ngọt có ga,... Đây là những thực phẩm chứa hàm lượng đường cao. Ăn uống quá nhiều có thể gây tăng đột ngột đường huyết sau ăn, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và là một trong những nguyên nhân chính khiến cơ thể tăng cân mất kiểm soát, béo phì.
Những đồ ăn thức uống này cũng có thể gây hại cho răng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, gây sâu răng. Ăn ngọt trước bữa ăn còn là nguyên nhân làm mất cảm giác ngon miệng khi đến bữa chính và dẫn đến bỏ bữa, gây thừa gluxit và thiếu các dưỡng chất quan trọng.
Thức ăn nhiều muối, đồ muối chua hoặc chế biến sẵn
Người lớn tuổi, người béo phì, người mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh thận,… không nên ăn nhiều các món chứa lượng muối cao, thực phẩm muối chua, đồ ăn chế biến sẵn. Lượng muối tiêu thụ trung bình mỗi ngày nên ở mức khoảng 5g. Ăn quá mức món ăn nhiều muối có thể gây tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Thực phẩm chế biến như xúc xích, lạp xưởng, chả lụa, thịt xông khói thường chứa nhiều muối nitrat và nitrit, chất bảo quản và phụ gia, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ tiêu hóa.
Ít hoặc không có rau xanh và chất xơ
Rau xanh chứa một lượng lớn dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể như vitamin, khoáng chất, chất xơ. Ăn nhiều rau xanh, chất xơ sẽ góp phần hạn chế hấp thu chất béo. Nếu ngày Tết, bỏ quên ăn rau xanh sẽ làm cơ thể thiếu chất, có thể ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa.
Rượu bia và cà phê, nước ngọt chứa caffeine quá mức
Rượu, bia, nước ngọt chứa nhiều calo, làm giảm khả năng ức chế của cơ thể, khiến chúng ta ăn nhiều hơn, dễ tăng cân. Do đó, chúng không có lợi cho những người bệnh tim mạch, huyết áp, những bệnh nhân tiểu đường.
Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều chất kích thích có thể gây ảnh hưởng xấu tới các cơ quan trong cơ thể (đặc biệt là gan); gây rối loạn tâm thần, hoang tưởng, có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát khi lái xe, thậm chí ngộ độc rượu nguy hiểm tính mạng.
Ít nước
Thói quen uống nhiều rượu, bia, cà phê và nước ngọt có chứa caffeine còn khiến cơ thể luôn có cảm giác no bụng, không muốn uống thêm nước, có thể dẫn đến mất nước.
Không uống đủ nước dễ gây mệt mỏi, thiếu nước, đau đầu, chóng mặt, quá trình trao đổi chất diễn ra chậm hơn và có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể.
Ngoài ra, chế độ ăn uống không hợp lý, uống nhiều rượu cùng với chế độ ăn giàu protein như thịt đỏ, thịt động vật, hải sản là nguyên nhân quan trọng gây ra các cơn gout.
Theo Linh Giao (VietNamNet)