Vào mùa đông, thời tiết chuyển lạnh và không ngừng giảm sâu, đây là thời điểm cơ thể dễ đau đầu, cảm lạnh, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến đột quỵ, đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Để bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh, các chuyên gia thường khuyến cáo nên phòng tránh những thói quen nguy hiểm, đặc biệt cần cẩn trọng trong quá trình gội đầu. Gội đầu không đơn thuần chỉ là một hành động vệ sinh cá nhân đơn giản mà còn ảnh hưởng đến bộ não, nơi chứa rất nhiều hệ thần kinh, quyết định độ thông minh, phản xạ của con người.
Vì vậy trong những ngày lạnh giá, chị em cần tuyệt đối tránh xa 4 thói quen xấu sau đây:
1. Gội đầu bằng nước lạnh
Y học cổ truyền cho rằng khu vực đầu chính là “nơi hội của dương” và “chỗ ở của thần minh”, chính vì vậy phần đầu có quan hệ chặt chẽ với các bộ phận khác của cơ thể, tất cả các cơ quan khác đều có trách nhiệm nuôi dưỡng nó.
Vì lời khuyến cáo gội đầu bằng nước quá nóng sẽ gây khô da đầu, gây xơ rối, gãy rụng tóc nên không ít chị em cố gắng chịu đựng để gội đầu bằng nước lạnh trong mùa đông. Gội đầu bằng nước lạnh chưa biết có tốt cho mái tóc hay không nhưng rõ ràng nước lạnh có thể làm các mạch máu ở da đầu co lại đột ngột, khiến bạn cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn ngay lập tức, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cơ thể.
Giải pháp: Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) đánh giá nhiệt độ nước gội đầu trong mùa đông không nên quá nóng hoặc quá lạnh, nên ở trong khoảng 40-45 độ C. Nước ấm sẽ giúp giãn nở các lỗ chân lông và các lớp biểu bì, loại bỏ bụi bẩn trên da đầu hiệu quả nhất.
2. Gội đầu vào đêm muộn hoặc sáng sớm
Ban đêm và sáng sớm là hai thời điểm nhiệt độ giảm thấp, lúc này cơ thể thường rơi vào trạng thái nghỉ ngơi, đây cũng là thời điểm thể chất con người mệt mỏi, thiếu tỉnh táo. Do vậy cần cẩn trọng khi tắm hoặc gội đầu vào thời gian này, tốt nhất là không nên.
Theo đại tá, Lương y Bùi Hồng Minh (Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình): Việc gội đầu sau 22 giờ đêm khiến máu khó lưu thông, gây ra tình trạng đau đầu, mỏi cổ vai gáy, đau nhức toàn thân. Nhiều người không cảm nhận được các triệu chứng này ngay, tuy nhiên nếu thói quen diễn ra trong thời gian dài, các tác động xấu sẽ cảm nhận rất rõ. Đặc biệt là hiện tượng đau đầu mãn tính.
Chuyên gia trong y học hiện đại cũng cảnh báo không nên gội đầu hoặc tắm vào ban đêm. Vùng đầu vốn là nơi dễ cảm lạnh, khiến các dây thần kinh co lại gây tắc nghẽn mạch máu. Từ đó có thể dẫn đến liệt mặt, méo miệng, gây tai biến, đột quỵ và tử vong. Ngay cả khi cơ thể đang mệt mỏi hoặc vừa đi làm/đi tập về bạn cũng không nên tắm gội khi đã muộn.
Cần cẩn trọng việc gội đầu vào mùa Đông đặc biệt với những người có thể trạng yếu hoặc đang mắc các bệnh lý như huyết áp, tiền đình, suy nhược thần kinh, người cao tuổi hoặc đang bị ốm càng nên cẩn thận.
Giải pháp: Mùa đông nên tránh gội đầu ban đêm. Nếu không thể thu xếp thời gian thì nên gội trước 20h tối, sau khi gội nên lau khô tóc, sấy tóc sát da đầu. Không được để tóc ướt đi ngủ để tránh đau đầu, cảm lạnh.
3. Gội đầu mỗi ngày
Để cơ thể thư giãn hơn sau một ngày làm việc, phụ nữ thường có thói quen gội đầu mỗi ngày. Tuy nhiên, Đông y đánh giá cơ thể con người phải chịu ảnh hưởng rất lớn vào thời tiết, gội đầu quá nhiều làm tăng nguy cơ cảm lạnh, trúng gió, nguy hiểm hơn khi bạn gội đầu bằng nước lạnh hoặc gội ở nơi có gió lùa.
Khoa học cũng chứng minh, gội đầu quá nhiều có thể gây hư tổn nghiêm trọng đến da đầu và tóc, khiến tóc dễ gãy rụng hơn. Chưa kể hầu hết các sản phẩm chăm sóc tóc còn chứa hương liệu, chất tạo bọt... lạm dụng chắc chắn sẽ hại sức khỏe.
Giải pháp: Các chuyên gia da liễu khuyên rằng bạn nên gội đầu 2 ngày/lần. Thời gian gội đầu chỉ nên kéo dài 10-15 phút là đủ.
4. Gội đầu trước sau đó mới tắm rửa cơ thể
Chuyện tắm gội mùa đông rất cần tuân thủ theo một trình tự chính xác. Các chuyên gia trên tờ QQ (TQ) khuyên rằng phụ nữ nên tắm từ cổ trở xuống dưới sau đó mới nên quay trở lại đỉnh đầu.
Gội đầu sau khi đã tắm sạch cơ thể và rửa mặt sẽ khiến nhiều người cảm thấy phiền phức vì như vậy dầu gội sẽ lại chảy lên cơ thể. Tuy nhiên, gội đầu trước khi tắm khiến cơ thể chưa kịp làm quen với nhiệt độ nước, nếu tắm nước lạnh việc này sẽ gây co thành mạch máu, làm cho mạch máu trở nên đông lại và dễ khiến cơ thể mệt mỏi. Còn nếu tắm nước nóng có thể gây ra sự thay đổi đột ngột trong huyết áp, nhiệt có thể gây giãn mạch.
Đặc biệt, việc để đầu ướt trong một khoảng thời gian dài cũng khiến đầu bị lạnh, nếu phòng tắm thoáng gió có thể khiến bạn bị cảm lạnh, đau đầu, choáng váng...
Giải pháp: Trình tự đúng khi tắm đó là: Đầu tiên là rửa mặt, sau đó tắm toàn thân, cuối cùng mới là gội đầu.
PN (SHTT)