Trong ẩm thực, giấy bạc được dùng để bảo quản, bọc gói thực phẩm khi nấu nướng. Bởi vì nó có khả năng chịu được nhiệt độ cao, nhiệt và mài mòn. Nó không chỉ ngăn ngừa thức ăn không bị dính vào hộp đựng mà còn bảo vệ dụng cụ nấu nướng (nhất là lò nướng, lò vi sóng…) khỏi vết dầu. Đồng thời, giấy bạc còn có thể giữ ẩm, giữ ấm, tránh dầu mỡ và nước tràn ra trong quá trình nấu. Giữ món ăn nóng, thơm ngon lâu hơn trước khi thưởng thức.
Giấy bạc hiện nay được sử dụng rất phổ biến, không chỉ ở các nhà hàng mà ngay ở các hộ gia đình. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hầu hết mọi người đều dùng nó theo cảm tính, sự truyền miệng mà không biết dùng thế nào mới đúng, thực phẩm nào phù hợp và thực phẩm nào nào không.
Sau đây là 4 sai lầm khi dùng giấy bạc có thể nói là không khác gì tự uống thuốc độc, tổn hại cơ thể và dễ gây cháy nổ được chuyên gia cảnh báo:
1. Bỏ giấy bạc vào lò vi sóng
Nhiều người thích dùng giấy bạc khi chế biến thức ăn với lò vi sóng vì cho rằng tiện lợi khi giữ vệ sinh lò và đồ ăn giữ được nhiều dinh dưỡng hơn bởi bọc kín. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng và ẩm thực người Anh Grace Vallo khẳng định đây là hành động sai lầm.
Khi lót giấy bạc ở đáy lò tuy sạch, giảm công việc lau dọn lò vi sóng nhưng sẽ cản trở sự phân bổ nhiệt và dẫn đến nấu không đều. Điều này cũng có thể xảy ra khi bạn bọc giấy bạc kín thực phẩm, làm chúng khó chín đều hơn.
Đặc biệt, dùng giấy bạc với lò vi sóng dễ làm tắc các lỗ thông hơi, khiến nhiệt độ tăng cao, đồng thời sóng vi ba không xuyên qua được, tạo nên các tia lửa điện dễ làm lò bị cháy. Ngoài ra, bạn cũng không bao giờ được cho túi giấy, túi nilon, hay tờ báo vào trong lò vi sóng vì chúng có thể tỏa ra các chất khí độc hại, hoặc bốc cháy dưới nhiệt độ cao trong lò.
2. Dùng giấy bạc với thực phẩm có tính axit
Thạc sĩ Cai Zhengliang của Hiệp hội Dinh dưỡng Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, không phải thực phẩm nào cũng phù hợp để dùng cùng giấy bạc. Đặc biệt là các thực phẩm có tính axit như:
- Giấm, chanh.
- Cà chua (bao gồm cả bột cà chua).
- Nước sốt, thực phẩm/gia vị chứa cồn.
Nếu dùng giấy bạc cùng các thực phẩm trên, tính axit của chúng sẽ ăn mòn lá nhôm và hòa tan các ion nhôm trong quá trình làm nóng. Không chỉ ảnh hưởng tới hương vị món ăn mà còn gây độc hại cho cơ thể. Khi nhôm bị nhiễm qua thức ăn vào trong cơ thể, chúng sẽ không thể tiêu hóa và được tích lũy trong các bộ phận của cơ thể như gan, thận, xương và các mô trong não của chúng ta.
Người bị nhiễm nhôm có thể bị đau bụng hoặc cảm thấy mệt mỏi. Nó ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh của chúng ta. Các bệnh nhân bị Alzheimer và trầm cảm bị nhiễm có thể gây mất trí nhớ, lo lắng, hen suyễn…
Thậm chí nếu chỉ bọc lại để bảo quản, không làm nóng thì chúng cũng có thể gây phản ứng hóa học làm hỏng, thối, mốc thức ăn nhanh hơn. Ông khuyến nghị nên nấu chín nguyên liệu trước, bỏ món ăn ra khỏi giấy bạc rồi mới thêm sau đó thêm giấm, chanh, bột cà chua và các chất có tính axit khác. Nếu muốn dùng để bảo quản, hãy gói trước một lớp giấy khác ngoài thực phẩm rồi bọc giấy bạc ra ngoài.
3. Dùng giấy bạc lót nồi chiên không dầu
Mấy năm gần đây, nồi chiên không dầu (nồi chiên không khí) ngày càng phổ biến. Điều này cũng dẫn tới nhiều người mắc phải sai lầm tai hại khi dùng nó hàng ngày mà không hề hay biết. Trong đó, có một sai lầm thường gặp được Thạc sĩ Cai Zhengliang nhấn mạnh, đó là dùng giấy bạc lót nồi chiên không dầu khi nấu.
Ông cho biết, sử dụng giấy bạc trong nồi chiên không dầu không giúp món ăn được chế biến ngon hơn hay nhanh hơn như truyền miệng. Trong khi đó, nguyên lý của nồi chiên không dầu là làm nóng bằng ống gia nhiệt, cho phép luồng khí có nhiệt độ cao làm nóng thức ăn nhanh chóng. Khí ở nhiệt độ cao có thể đẩy dầu ra khỏi thực phẩm nhưng giấy cũng có thể hút dầu và cháy.
Vì vậy, nếu dùng giấy bạc để lót ở đáy hay quanh thành nồi sẽ rất dễ gây ra cháy nổ. Đặc biệt, nếu thức ăn quá nhẹ, luồng không khí có nhiệt độ cao tuần hoàn có thể khiến giấy bạc nổi lên, tiếp xúc với ống gia nhiệt rồi bốc cháy dễ dàng hơn. Lạm dụng giấy bạc cũng có thể khiến lớp chống dính của nồi chiên không dầu nhanh bị hư hại, thức ăn cũng khó chín đều do cơ chế làm nóng từ dưới lên.
4. Dùng giấy bạc để bọc thức ăn thừa
Không khó để bắt gặp những người thường bọc thức ăn thừa trong màng bọc thực phẩm hoặc giấy bạc rồi cho vào tủ lạnh. Đặc biệt khi thức ăn đi kèm với nước sốt hoặc vốn đã được phục vụ trong giấy bạc, họ thường chọn bọc/để nguyên trong giấy bạc. Bời vì vừa tiện và nước không dễ thấm ra ngoài, khi lấy ra hâm nóng trực tiếp rất tiện lợi.
Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Lindsay Malone (Anh) cho rằng đây là hành động nguy hiểm bởi nó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tăng nguy cơ ngộ độc. Mặt khác, sự tác động của kim loại hoạt tính cao như nhôm nếu gặp thực phẩm nhiều nước, tính axit cao sẽ gây độc hại, làm thực phẩm nhanh hư hại.
Bà giải thích, giống như chúng ta cần không khí để thở, vi khuẩn cần không khí để phát triển mạnh. Một số vi khuẩn như tụ cầu khuẩn và Bacillus cereus, gây ngộ độc thực phẩm, tạo ra độc tố không bị phá hủy bởi nhiệt độ nấu cao. Khi một bữa ăn nóng được để ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 tiếng, vi khuẩn sẽ phát triển nhanh chóng. Sử dụng giấy bạc để bọc thực phẩm cũng có nguy cơ tương tự, vì nó không hoàn toàn bọc kín thực phẩm ngăn với không khí.
Thay vào đó, bà đưa ra nguyên tắc khi bao gói thức ăn thừa là luôn đựng chúng trong hộp nông, kín không khí để đẩy nhanh quá trình làm lạnh và ngăn vi khuẩn. Đương nhiên, cần để thực phẩm nguội hẳn và cho vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ ở nhiệt độ phòng.
Theo Ngọc Ái (Phụ nữ Việt Nam)