Bác sĩ Chen Rongjian, Giám đốc điều hành Trung tâm Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu thuộc Bệnh viện Đa khoa Min Sing (Đài Loan, Trung Quốc) cảnh báo, một vết thương nhỏ trên tay nếu không xử lý đúng cách khi tiếp xúc với thực phẩm, nước uống cũng có thể gây nhiễm khuẩn và ngộ độc nguy hiểm. Ông kể gần đây, mình đã gặp trường hợp 4 người trong một gia đình cùng nhập viện vì ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.
Đó là gia đình một người phụ nữ họ Hà, khoảng 40 tuổi, sống tại Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc. Cách đây 1 tuần, sau khi ăn tối khoảng 3 tiếng thì 4 người trong nhà, bao gồm bà Hà, chồng và 2 cậu con trai đều bắt đầu có triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, đau thắt bụng. Bà Hà vội vã gọi xe cấp cứu trong đêm tới Bệnh viện Đa khoa Min Sing.
Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận cả 4 người đều bị ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. May mắn là tới bệnh viện sớm và mức độ không quá nghiêm trọng nên chưa tới 1 ngày sau bà và chồng, con trai lớn đã được xuất viện. Chỉ có cậu con trai nhỏ vẫn phải nằm lại bệnh viện để điều trị thêm một vài ngày.
Theo giải thích của bác sĩ Chen: "Tụ cầu vàng (tên khoa học là Staphylococcus aureus) là một loại vi khuẩn tụ cầu có tính độc cao, có thể kháng với nhiều loại kháng sinh nếu người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính nặng, rất khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong nếu không được trị liệu kịp thời".
Về phần bà Hà, đây là lần đầu tiên bà nghe tên loại khuẩn tụ cầu vàng này, cũng không hiểu gia đình mình bị lây nhiễm như thế nào. Sau khi trò chuyện với bác sĩ, được biết nguyên nhân nhiễm khuẩn xuất phát từ chính sự bất cẩn khi nấu ăn của mình, bà vô cùng hối hận.
Bác sĩ Chen nói: "Có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhiễm tụ cầu vàng, phổ biến nhất là xâm nhập qua vết thương hoặc vết cắt. Trường hợp của gia đình này cũng vậy. Điều tra cho thấy người mẹ bị một vết cắt nhỏ trên ngón tay khi cắt rau củ nhưng xử lý không kỹ. Sau đó, khuẩn tụ cầu vàng xâm nhập.
Khi chuẩn bị bữa tối cho gia đình ngày hôm đó, vì quá vội vã mà bà đã không đeo găng tay, cũng không băng kín vết cắt, dẫn tới tụ cầu vàng xâm nhập vào thực phẩm. Tụ cầu vàng không thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao nên đã xâm nhập vào cơ thể và gây hại cho mọi người sau khi ăn phải”.
Ông cũng nhắc nhở thêm, ngộ độc thực phẩm là một trong những bệnh lý phổ biến nhất mà nhiễm khuẩn tụ cầu vàng gây ra. Người bệnh lúc này sẽ có các triệu chứng: buồn nôn và nôn mửa, đau bụng thắt từng cơn, tiêu chảy, mất nước nghiêm trọng, hạ huyết áp, mệt mỏi… Ngoài ngộ độc thực phẩm, tụ cầu vàng có thể gây: nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm khớp, viêm nội tâm mạc, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi bệnh viện, nhiễm trùng thần kinh, nhiễm trùng tiết niệu… có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ Chen chia sẻ câu chuyện này với hy vọng mọi người lấy trường hợp của gia đình trên để rút kinh nghiệm, phòng ngừa cho mình và những người xung quanh. Hãy luôn giữ gìn vệ sinh cơ thể, nhất là bàn tay, dọn dẹp môi trường sống thường xuyên, băng bó các vết thương hở bằng băng không thấm nước cho đến khi vết thương lành và tốt nhất là đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm.
Theo Ngọc Ái (Phụ Nữ Việt Nam)