3 người Việt có cái tên ngộ nghĩnh, ngượng ngùng với người xung quanh khi bị gọi tên

09/01/2024 13:38:27

Cả 3 đều gặp những tình huống "dở khóc dở cười" khiến bản thân phải ngượng ngùng.

Người đàn ông từng ngượng ngùng khi có cái tên… Ẻo

Người đàn ông Hòa Bình vốn được bố mẹ dự định đặt cho cái tên rất hiện đại và mang ý nghĩa – Đinh Công Tiện (SN 1980). Song hồi nhỏ anh lại không được bố mẹ đi làm giấy khai sinh ngay vì một số lý do khách quan. Vì thế theo năm tháng, mọi người đã gọi anh là Ẻo bởi dáng người gầy nhỏ, thanh thoát…

“Đến 10 tuổi, mọi người trong làng lẫn bố mẹ đều gọi tôi là Ẻo, thành ra quên mất cái tên Tiện năm xưa nên đã khai sinh là Đinh Công Ẻo”, anh nói.

Sau đó Đinh Công Ẻo từ từ cho biết, anh là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em. Tuy nhiên chỉ mình anh sở hữu cái tên vừa độc vừa lạ vừa ẻo này. “Hồi xưa, tôi thuộc dạng đào hoa nhất nhì làng. Trong đám cưới người bạn, có cô gái xinh xắn để mắt đến tôi. Nhưng đứng chuyện trò qua lại tôi không dám giới thiệu mình tên Ẻo.

Tôi sợ cô ấy biết tên thật của tôi sẽ hết tình cảm với mình. Tôi phải nói hết chuyện này đến chuyện khác để cô ấy không có cơ hội hỏi tên tôi là gì”, anh Ẻo nhớ lại.

3 người Việt có cái tên ngộ nghĩnh, ngượng ngùng với người xung quanh khi bị gọi tên
Sau khi vợ sinh 2 con, anh Ẻo đã tham gia lớp học bổ túc tại thành phố Hòa Bình.

Vài hôm sau, cô gái kia đã biết tên của anh là Ẻo và không có cái kết đẹp xảy ra. “Anh Ẻo không lấy vợ làng khác vì sợ bị con gái chê tên xấu nên phải về lấy gái làng. Xưa đi tới đâu, mọi người hỏi tên chồng, tôi xấu hổ lắm. Ở xứ này, nhiều cụ già không đọc được tên anh Ẻo đâu”, chị Hoan (SN 1983) – vợ anh Ẻo nói.

Sau khi lấy chị Hoan và sinh được 2 bé, anh Ẻo đã tham gia lớp học bổ túc tại thành phố Hòa Bình. Đó là thời gian anh có nhiều kỷ niệm vui với cái tên cả tỉnh chỉ có một mình anh có. “Trong một tiết học, cô giáo do mới chuyển về trường, chưa quen với tên tôi nên gọi bạn Đinh Công Cỏ lên bảng. Do không đúng tên nên tôi vẫn ngồi yên, còn cả lớp thì cười.

Ban đầu cô giáo không biết nguyên nhân nhưng khi nhìn lại sổ điểm biết nhầm nên cô cũng cười theo đầy ngượng ngùng. Tôi không kiềm chế nổi nên cũng bật cười”, anh Ẻo cho hay.

Với tên gọi khá độc lạ, tiết học nào ở lớp, người đàn ông cũng được thầy cô gọi lên bảng. Sau này khi về quê công tác, với những cuộc giao lưu hay buổi tập huấn trên huyện, thành phố… người ta thường nhắc đến câu chuyện xung quanh cái tên của vị trưởng thôn Ẻo.

“Nếu có trêu vui về cái tên Ẻo, chỉ bạn bè trong lớp hoặc giáo viên thi thoảng bông đùa vài câu thôi. Còn đi làm, đồng nghiệp chưa bao giờ có ý kiến gì về cái tên của tôi cả.

Một số người thay vì gọi tôi là anh Ẻo lại gọi là anh Huệ - tên của con gái lớn. Tới đứa thứ 2, tôi không dám đặt tên cho con nữa, đành nhường trọng trách cao cả cho anh chị em trong nhà. Bản thân thôi chưa khi nào trách bố mẹ đặt tên mình là Ẻo đâu”, người đàn ông tâm sự.

Gặp rắc rối khi có tên… Hế

Ông Nguyễn Hế - sinh sống tại miền Trung hiện vẫn thường xuyên đi “giải thích” về cái tên gắn bó với chính cuộc đời ông suốt mấy chục qua. Ông cho biết, trước khi ông được cha mẹ khai sinh là Huế - gắn liền với một địa danh nổi tiếng của Việt Nam.

Sau ngày giải phóng, ông Hế nhờ người nhà đi làm lại giấy khai sinh. Tuy nhiên do họ ít chữ nghĩa nên đã đọc tên ông để cán bộ hộ tịch khai sinh hộ. “Giọng miền Trung thường đọc sẽ bỏ âm tiết ở giữa, Huế thành Hế. Cán bộ hộ tịch nghe xong cũng chẳng gặng hỏi lại nên điền vào giấy khai sinh là Nguyễn Hế. Thế là cái tên Hế đã theo tôi mấy chục năm trời. Tôi chán chẳng buồn đi đổi vì dù sao người miền Trung phát âm hai tên đó cũng như một”, người đàn ông buồn rầu tâm sự.

Cái tên Hế chỉ thực sự đem lại rắc rối cho người đang ông miền Trung khi nhà nước làm thủ tục hưởng chế độ cho người tham gia chiến trường K. Ông kể nhà nước phát hiện khai sinh của ông tên Hế, còn giấy xuất ngũ lại là Huế. Thêm vào đó, ông có rất nhiều giấy tờ lẫn lộn giữa hai tên này. Do vậy hồ sơ chế độ của ông bị nghẽn, ông bắt đầu hành trình đi tìm lại cái tên của chính mình.

“Trải qua bao khó khăn, tôi đã được hưởng chế độ của người tham gia chiến trường K. Nhưng rắc rối chưa dừng lại ở đó, thỉnh thoảng giấy tờ như thẻ bảo hiểm y tế, thẻ Hội viên Hội nông dân lại xuất hiện cái tên Nguyễn Hế. Thế là tôi lại tiếp tục bài ca đi đính chính cái tên của mình. Thật là rắc rối và đôi khi cảm thấy ngượng ngùng trước người đối diện vì cái tên vô nghĩa này”, ông Hế tâm sự.

Chàng trai có tên gọi ở nhà rất... "nhạy cảm"

“Mình có tên khai sinh rất hay – Vũ Tuấn Anh nhưng ít ai gọi bằng cái tên như thế! Hầu hết đều gọi bằng tên ở nhà, hơi nhạy cảm một chút – Cu. Mình từng có quãng thời gian đề nghị mọi người trong gia đình, bạn bè hãy gọi bằng tên thật nhưng chẳng ai chịu cả. Họ đều bảo rằng “gọi quen rồi, không thay đổi được””, chàng trai gốc Hưng Yên, hiện sinh sống và làm việc tại Đức cho hay. 

3 người Việt có cái tên ngộ nghĩnh, ngượng ngùng với người xung quanh khi bị gọi tên - 1
Tuấn Anh hiện sinh sống và làm việc tại Đức.

Tuấn Anh tiết lộ tên ở nhà do mẹ của cậu đặt từ lúc chào đời với hi vọng khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Từ đó họ hàng luôn gọi như vậy dù cậu có lớn đến mấy. “Mẹ bảo ngày đó ít người ở quê đặt tên ở nhà cho con. Mình chào đời mẹ liền quyết gọi như thế, hàm ý là con trai với mong ước không ốm đau bệnh tật. 

Cả nhà thấy mẹ gọi vậy cũng bắt chước theo. Mẹ cũng tâm sự rằng cứ ngỡ mọi người chỉ gọi tên ở nhà khi mình còn bé bỏng. Mình lớn, mọi người sẽ thay đổi từ tên ở nhà sang tên thật trong giấy khai sinh. Ngờ đâu chẳng ai chịu thay đổi, hễ thấy mình là gọi “Cu ơi!””, Tuấn Anh tâm sự. 

Tuấn Anh đến tuổi đi học thường giới thiệu với thầy cô giáo rằng bản thân tên Vũ Tuấn Anh – trùng khớp với tên trong sổ điểm. Song bạn bè trong xóm học chung lớp không chịu thừa nhận tên đó, kiên quyết gọi cậu là Cu. Lúc đó cậu đã nóng giận lao vào bạn bè, không chấp nhận bạn gọi mình bằng tên gọi ở nhà. 

“Cô giáo thấy vậy phải giải thích cho các bạn hiểu rằng mình tên là Tuấn Anh, còn tên kia chỉ là tên gọi ngày bé. Các bạn ra vẻ hiểu chuyện nhưng về nhà vẫn không chịu gọi tên thật của mình, đi đâu cũng gọi tên "nhạy cảm" kia. 

Mình có hờn dỗi mẹ vì sao lại đặt tên ở nhà làm gì, trong khi các bạn đâu có tên như vậy. Mẹ bảo rằng các bạn lớn lên với mình từ bé, đã quen với cái tên đó nên gọi cũng không sao. Mẹ cũng động viên mình lớn hơn chút, các bạn tự cảm thấy ái ngại mà gọi tên thật", Tuấn Anh nhớ lại. 

Lên cấp III, Tuấn Anh học với nhiều bạn ở vùng khác nên không ai biết tên ở nhà của cậu. Nhưng một lần đi chơi cùng bạn trong lớp, cậu tình cờ gặp em họ học lớp trên. Người em thay vì gọi Tuấn Anh đã lỡ miệng kêu tên ở nhà. Các bạn thấy vậy liền trêu đùa khiến cậu ngượng đỏ mặt, không dám lên tiếng giải thích. 

"Các bạn đùa xong cũng nhận thấy không đáng nên từ đó không gọi nữa. Sau này mình lại thấy rất bình thường, thậm chí bảo mấy đứa bạn thân thiết có thể gọi tên ở nhà của mình ngoài giờ học. 

Lên đại học, mình cũng tiết lộ với các bạn thân rằng bản thân ở nhà có tên đặc biệt. Các bạn trêu chọc dăm câu, sau đó thay đổi tên trong danh bạ điện thoại của mình để thể hiện sự thân thiết", chàng trai gen Z tâm sự. 

Sang Đức du học, Tuấn Anh hầu như không chia sẻ với ai về tên ở nhà của mình. Cậu thi thoảng có nhớ tiếng gọi "Cu ơi" của bố mẹ, bạn bè nhưng mỗi lần gọi video tất cả thay đổi cách gọi. Lúc này cậu vô tư nói mọi người hãy gọi mình như ngày xưa để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè và tháng ngày tuổi thơ đầy tinh nghịch.

Theo Ngọc Hà (Tri thức & Cuộc sống)