PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết, phần thịt của quả na chứa carbohydrate trong đó giàu chất xơ hòa tan, protein, lượng nhỏ chất béo, vitamin C, vitamin B6, kali, riboflavin.
Na đều tốt cho tất cả mọi người kể cả người già, trẻ nhỏ. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên lưu ý khi ăn na:
Thứ nhất, tuyệt đối không cắn nát hạt na. Nếu cho trẻ nhỏ ăn phải đảm bảo bỏ hết hạt na ra ngoài. Bởi trong hạt na có độc tính, gây ngộ độc đường tiêu hóa. Từ ngày xưa, người Việt đã sử dụng hạt na để trị côn trùng, lấy hạt na gội đầu trị chấy.
Thứ hai, tuyệt đối không ăn na dập nát. Na là quả chín mềm, có các mắt. Các mắt này khi chín nở, nứt tạo điều kiện cho côn trùng, ruồi nhặng đẻ trứng tạo thành giòi. Vì vậy, na rất hay có giòi. Nếu na chín cây càng dễ có giòi hơn.
Theo ông Thịnh, giòi xâm nhập vào cơ thể có thể bị chết bởi các dịch tiêu hóa, tuy nhiên, người có sức đề kháng kém, trẻ nhỏ có thể gây rối loạn tiêu hóa.
Thứ ba, khi mua na, người tiêu dùng nên chọn những quả có mắt to, tròn đều. Những quả na vỏ có nhiều vẩy trắng, nhiều vết nứt nẻ, ở các vết đó có dấu hiệu chảy nước thì tuyệt đối không nên ăn. Đặc biệt là những quả na có mắt thâm đen, cứng. Không nên ăn na còn xanh, còn sượng bởi chất tannin có thể gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu và thậm chí là táo bón.
Để tránh mua phải quả tẩm hóa chất làm chín, bạn có thể chọn na đã mở mắt còn xanh về ủ giấy báo chờ chín.
Theo VietNamNet