Cuộc sống bận rộn, ăn uống thiếu khoa học và ít vận động là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các căn bệnh của thời đại như đột quỵ, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… Do không nhiều người ý thức được sự nguy hiểm của chúng nên hàng chục triệu người trên thế giới đã ra đi mỗi năm bởi những “sát thủ thầm lặng” này.
1. Rối loạn mỡ máu
Đứng đầu bảng trong số những căn bệnh khiến người Việt lo sợ là rối loạn mỡ máu. Người mắc bệnh này phải đối mặt với hàng loạt biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như đột quỵ, nguy cơ tiểu đường, tim mạch cao…
Tuy không dẫn đến tử vong ngay, nhưng rối loạn mỡ máu được coi là “sát thủ thầm lặng”. Trước đây, quan niệm cũ cho rằng chỉ những người béo phì mới mắc rối loạn mỡ máu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngay cả những người có chỉ số cơ thể trung bình, thậm chí gầy gò cũng có thể mắc chứng bệnh này.
Dù dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm, nhưng rối loạn mỡ máu lại rất khó phát hiện. Những người mắc rối loạn mỡ máu mức độ nhẹ thường không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện tình cờ trong quá trình xét nghiệm máu định kỳ.
Một số dấu hiệu bệnh điển hình thường là khi chúng đã ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể như tim, não, thận như:
- Đau tức ngực, áp lực ở ngực;
- Khó thở, đau khi hít thở mạnh;
- Đau, căng ở khu vực cổ, quai hàm, vai, lưng;
- Nhịp tim nhanh;
- Ngất xỉu.
Một số người có mức cholesterol và chất béo trung tính cao khiến phát triển xanthomas, biểu hiện ở các vết nổi, u vàng vùng xung quanh mắt, khuỷu tay, mắt cá chân. Trường hợp này thường phổ biến ở những bệnh nhân có tiền sử rối loạn mỡ máu trong gia đình.
Khi đã mắc bệnh, việc điều trị cũng cần một quá trình lâu dài, kiên trì. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo để phòng và điều trị rối loạn mỡ máu cần phải thay đổi thói quen ăn uống, lối sống, tăng cường tập thể dục, cai thuốc lá, hạn chế rượu bia.
2. Tiểu đường
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự đoán tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ mắc cao nhất châu Á, với khoảng 3 triệu người. Trong 10 năm qua, số người mắc bệnh đã tăng tới 200%. Độ tuổi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ngày càng trẻ hóa.
Được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, tiểu đường tiến triển từ từ nhưng để lại hậu quả rất trầm trọng: đột quỵ, mù lòa, nhồi máu cơ tim, suy thận, tổn thương bàn chân, loét chân có thể dẫn đến cắt cụt chi.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (Anh) (NHS) giải thích rằng nhiều người mắc bệnh tiểu đường "trong nhiều năm" mà không nhận ra vì các triệu chứng ban đầu "khá mơ hồ".
Theo NHS, các dấu hiệu sau đây cho thấy bạn nên gặp bác sĩ "càng sớm càng tốt":
- Cảm thấy rất khát nước
- Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường, đặc biệt là vào ban đêm
- Cảm thấy rất mệt mỏi
- Giảm cân và mất số lượng lớn cơ bắp
- Ngứa xung quanh dương vật hoặc âm đạo, hoặc thường xuyên bị nhiễm nấm
- Nhìn mờ.
Douglas Smallwood, Giám đốc điều hành của Tổ chức Bệnh tiểu đường Vương quốc Anh, cho biết: "Nhận thức về bệnh tiểu đường là chìa khóa nếu chúng ta muốn ngăn mọi người đối mặt với tương lai bệnh tật: được chẩn đoán sớm có nghĩa là bạn ít có khả năng phát triển các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường".
"Chúng ta cần đảm bảo rằng mọi người nhận thức được các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2 và chúng ta cần khuyến khích họ yêu cầu xét nghiệm bệnh tiểu đường nếu họ có nguy cơ mắc bệnh này".
3. Huyết áp cao
Những năm gần đây, tăng huyết áp là căn bệnh đáng báo động không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Mỗi năm, hàng triệu người tử vong vì biến chứng nguy hiểm của nó.
Từ xưa đến nay, tăng huyết áp vẫn được coi là kẻ giết người thầm lặng bởi bệnh nhân mới mắc bệnh không có triệu chứng điển hình như mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, ù tai… Hơn nữa, nhiều người dân vẫn có tâm lý coi thường bệnh khi luôn nghĩ rằng tăng huyết áp thường xảy ra ở những người có độ tuổi cao.
Tuy nhiên, theo Hội tim mạch Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp ở những người trẻ từ 25 tuổi cũng đang gia tăng. Thói quen ăn uống thiếu khoa học, ít vận động, uống nhiều bia, rượu, hút thuốc lá… đã khiến căn bệnh này ngày càng gia tăng nhanh về số lượng cũng như trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh.
Theo Tổ chức Tim mạch Anh, nhiều người bị huyết áp cao không biết mình mắc bệnh vì tình trạng này không phải lúc nào cũng khiến người bệnh mệt mỏi. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo.
- Nhìn mờ
- Chảy máu cam
- Hụt hơi
- Đau ngực
- Chóng mặt
- Nhức đầu.
Mặc dù những dấu hiệu này có thể xảy ra, cách duy nhất để biết chắc chắn liệu bạn có bị huyết áp cao hay không là đo huyết áp, theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (Anh).
May mắn thay, bạn có thể kiểm tra huyết áp của mình ở nhiều nơi như các phòng khám và một số hiệu thuốc.
PN (SHTT)