3 ca mắc bạch hầu tử vong, căn bệnh nguy hiểm như thế nào?

19/09/2023 10:46:34

Bộ Y tế cho biết tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Hà Giang, Điện Biên và đã có 3 ca tử vong.

Theo Tuổi Trẻ đưa tin, trước tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Hà Giang và Điện Biên với 3 ca tử vong, ngày 18-9, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn khẩn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong.

Theo đó, yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm, bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

3 ca mắc bạch hầu tử vong, căn bệnh nguy hiểm như thế nào?
Đoàn công tác của Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế Hà Giang kiểm tra chống dịch bạch hầu tại thôn Phe Phà, xã Lũng Hồ, H.Yên Minh. Ảnh: moh.gov.vn

Đồng thời, các đơn vị rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Bảo đảm công tác phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Giang, hiện tỉnh có 46 người nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đang được theo dõi, có 9 ca bệnh được xác định mắc bệnh bạch hầu và đã có một ca tử vong. Trong khi đó tại tỉnh Điện Biên cũng ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu là gì?

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra và bệnh lây lan dễ dàng, diễn ra nhanh chóng nếu không được kiểm soát phòng dịch tốt. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến mũi và họng. Những người sống trong điều kiện đông đúc hoặc vệ sinh kém, những người không được nuôi dưỡng tốt, trẻ em và người lớn không được tiêm chủng cập nhật cũng có nguy cơ mắc bệnh.

3 ca mắc bạch hầu tử vong, căn bệnh nguy hiểm như thế nào? - 1
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Trẻ từ 1 -10 tuổi chính là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn, khả năng miễn dịch thấp sẽ dễ mắc bệnh hơn.

Vì vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?

Bạch hầu là căn bệnh nguy hiểm. Trẻ thường có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi nổi hạch ở cổ sau thời gian ủ bệnh khoảng từ 2-5 ngày. Bệnh nhân có thể bị nhầm lẫn với các chứng đau họng khác ở giai đoạn sớm của bệnh khi chưa có giảm mạc ở mũi họng. Điều này dễ dẫn đến những biến chứng khó lường do độc tố của vi khuẩn gây ra.

Độc tố do vi khuẩn gây ra có thể dẫn đến một lớp phủ (hoặc màng) dày trong mũi, cổ họng hoặc đường thở. Lớp phủ này thường có màu xám hoặc đen mờ và có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và khó nuốt. Điều này làm cho nhiễm trùng bạch hầu khác với các bệnh nhiễm trùng phổ biến khác gây đau họng (chẳng hạn như viêm họng do liên cầu khuẩn).

3 ca mắc bạch hầu tử vong, căn bệnh nguy hiểm như thế nào? - 2
Hình ảnh bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu cấp tính. Ảnh: Internet

Khi nhiễm trùng tiếp tục, thường có các triệu chứng như: khó thở hoặc khó nuốt, nhìn song thị, thay đổi thị lực, nói ngọng và có dấu hiệu bị sốc (da nhợt nhạt và lạnh, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi và có vẻ lo lắng).

Ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra có thể dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng cho thận, hệ thần kinh trung ương và tim nếu không được điều trị. Trong tổng số ca mắc bệnh bạch hầu, tử vong vào khoảng 5 đến 10% có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Biến chứng bệnh bạch hầu

Tất cả các biến chứng của bệnh bạch hầu kể cả tử vong đều là hậu quả của độc tố. Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh, liệt cơ chi cơ hoành

Thường gặp nhất là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Trong giai đoạn toàn phát của bệnh biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Nếu viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường xấu, tỷ lệ tử vong rất cao.

Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác. Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Liệt cơ hoành có thể gây ra viêm phổi và suy hô hấp.

Trẻ có thể khó nuốt, khó thở, nhiều trẻ biểu hiện nặng với da xanh, nhịp tim rối loạn, liệt thần kinh khi bệnh tiến triển.Trong vòng từ 6 đến 10 ngày, tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong.

Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.

Phòng ngừa bệnh bạch hầu

- Cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất hiện nay chính là vắc-xin phòng bệnh bạch hầu.

3 ca mắc bạch hầu tử vong, căn bệnh nguy hiểm như thế nào? - 3
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay chính là vắc-xin phòng bệnh bạch hầu.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

- Che miệng khi ho, hắt hơn.

- Vệ sinh miệng, mũi, họng hàng ngày.

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

- Người dân trong ổ dịch cần uống thuốc phòng, tiêm vắc-xin phòng bệnh.

- Phát hiện, cách ly, đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất.

3 ca mắc bạch hầu tử vong, căn bệnh nguy hiểm như thế nào? - 4

PN (SHTT)