Cuối tuần trước, Tổng thống Zimbabwe - Emmerson Mnangagwa cho biết giá xăng sẽ được nâng từ 1,34 USD lên 3,11 USD một lít, áp dụng từ hôm qua. Còn giá dầu diesel từ 1,49 USD lên 3,21 USD. Theo GlobalPetrolPrices.com, giá xăng bình quân thế giới hiện là 1,08 USD một lít.
Zimbabwe đã thiếu hụt nhiên liệu từ tháng 10 năm ngoái, do thiếu ngoại tệ. Ông Mnangagwa cho biết họ đã áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu ổn định, đồng thời cảnh báo: "Chính phủ đã biết các hành động nhằm tận dụng sự thiếu hụt nhiên liệu hiện tại để gây bất ổn trong xã hội. Những động thái mang tính chính trị như vậy sẽ không được tha thứ". Chính phủ Zimbawe cũng hỗ trợ cho nhiều công ty trong ngành sản xuất, khai khoáng, thương mại, nông nghiệp và giao thông, nhằm ngăn giá hàng hóa và dịch vụ leo thang.
Thiếu hụt ngoại tệ đang khiến nước này cạn kiệt hàng loạt nhu yếu phẩm, từ bánh mỳ đến xăng dầu. Bác sĩ không thể đến nơi làm việc, còn các công ty phải cắt giảm hoặc ngừng sản xuất vì không nhập khẩu được nguyên liệu thô.
Zimbabwe không đủ ngoại tệ để trả lương cho công nhân. Nhiều người đã từ chối nhận lương bằng tiền điện tử, hoặc bond note (tiền mới nhái USD của nước này) vì chúng có giá quá thấp so với ngoại tệ tại chợ đen. "Phần lớn các công ty không có đủ nguyên liệu cần thiết để sản xuất trong tháng 1, do các nhà cung cấp cắt giao dịch. Chỉ khi thanh toán bằng ngoại tệ, họ mới cung cấp trở lại", Sifelani Jabangwe - Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Zimbabwe cho biết.
Gốc rễ của cuộc khủng hoảng này là quyết định từ bỏ đồng đôla Zimbabwe năm 2009 để sử dụng các tiền tệ khác, chủ yếu là đôla Mỹ, sau một đợt lạm phát phi mã. Từ một trong những quốc gia giàu có nhất châu Phi, quản trị sai lầm, nội tệ mất giá và tham nhũng đã khiến Zimbabwe tuột dốc không phanh. Lạm phát có lúc chạm 231 triệu phần trăm giữa năm 2008 và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 90% năm 2017.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)