Như thông tin Dân Việt đã đưa, ngày 27.3, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest - hai cổ đông lớn của Vinaconex - đã gửi đơn gửi đơn tới Toà án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp với Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Cụ thể, hai cổ đông này yêu cầu Vinaconex tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông đã ban hành vào ngày 11.1.
Quyết định này của Toà án còn dựa trên chứng cứ tài liệu liên quan, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu của cổ đông Vinaconex và đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, Toà án nhân dân quận Đống Đa đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHCĐ nói trên, bao gồm tờ trình về việc bầu cử thành viên HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) của công ty.
Việc hai cổ đông lớn của Vinaconex gửi đơn lên toà án nhân dân quận Đống Đa nhờ can thiệp chuyện của doanh nghiệp, cho thấy sự xung đột giữa các nhóm cổ đông với nhau, mà cụ thể là nhóm cổ đông Cường Vũ và Star Invest với nhóm An Quý Hưng.
Trở lại vụ thoái vốn đình đám của Vinaconex cuối năm 2018 vừa qua, An Quý Hưng, nhà đầu tư đã chi gần 7.400 tỷ đồng để giành chiến thắng trong phiên đấu giá 57,7% cổ phần của Vinaconex.
Còn Cường Vũ thì sở hữu 21,28% thông qua việc mua lại cổ phần Vinaconex từ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cuối tháng 11.2018, còn Đầu tư Star Invest mua lại 7,57% cổ phần từ PYN Elite Fund trong phiên giao dịch ngày 24.12.2018 trên sàn chứng khoán.
Điều cần lưu ý, cả Cường Vũ và Đầu tư Star Invest, trước đó, đều là những nhà đầu tư đã mua hụt trong phiên đấu giá gần 58% cổ phần Vinconex do SCIC sở hữu. Sau khi kết quả đấu giá cổ phần Vinaconex được ngã ngũ, 3 cổ đông mới xuất hiện đã chiếm gần 90% cổ phần Vinaconex.
Ngày 11.1, ĐHCĐ bất thường được tổ chức sau khi Vinaconex đã có sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp. Đại hội đã thống nhất thông qua đơn từ nhiệm của 7 thành viên Hội đồng quản trị gồm ông Nguyễn Đức Chi, ông Đỗ Trọng Quỳnh, ông Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Anh Tùng, ông Phạm Văn Hải, ông Lê Đăng Dũng, bà Nghiêm Phương Nhi.
Đồng thời 5 thành viên Ban Kiểm soát cũng bày tỏ ý nguyện từ nhiệm và được thông qua là ông Đặng Thanh Tuấn, bà Kiều Bích Hoa, ông Vũ Hồng Tuấn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang và ông Bùi Anh Vũ.
Theo kết quả bỏ phiếu, HĐQT gồm ông: Đào Ngọc Thanh, Thân Thế Hà, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Xuân Đông, Dương Văn Mậu, Bùi Tuấn Anh, Nguyễn Hữu Tới. Trong đó, 2 thành viên của nhóm cổ đông An Quý Hưng là ông Đào Ngọc Thanh được làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 và ông Nguyễn Xuân Đông được bầu làm Tổng Giám đốc Vinaconex.
Xung đột lợi ích có lẽ bắt đầu từ sự phân chia quyền lực giữa các nhóm cổ đông tại Vinaconex. Cụ thể, trong khi nhóm An Quý Hưng kiểm soát toàn bộ quyền lực tại Vinaconex bằng việc ngồi ghế Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc thì nhóm cổ đông Cường Vũ và Star Invest chỉ có 2 người là thành viên HĐQT là ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc Địa ốc Phú Long và ông Thân Thế Hà, Phó tổng giám đốc Vinaconex, Chủ tịch HĐTV Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).
Ngoài ra, nhóm cổ đông Cường Vũ cũng có thêm 2 thành viên trong Ban kiểm soát mới của Vinaconex gồm ông Nguyễn Xuân Đại, ông Lê Đình Vinh.
Trước đó, giới đầu tư cũng xôn xao về thông tin, để trở thành cổ đông chi phối Vinaconex, nhóm cổ đông An Quý Hưng đã chi 7.360 tỉ đồng, cao hơn giá trị khởi điểm gần 2.000 tỷ đồng, cao hơn giá thị trường 2.600 tỉ đồng. Nhóm cổ đông này có tới 7 người (nhóm đại gia bất động sản G7 Hà Nội). Kết quả bầu HĐQT trên cũng thấy được tham vọng giành quyền tại Vinaconex của nhóm An Quý Hưng lớn thế nào.
Tuy nhiên, tham vọng giành quyền lực tại Vinaconex chắc chắn không chỉ dừng ở nhóm cổ đông An Quý Hưng mà còn nằm ở 2 cổ đông lớn còn lại. Điều này ít nhiều cũng là nguyên nhân khiến cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung phải nhờ tới toà án.
Thực tế, mâu thuẫn này cũng đã xuất hiện ngay tại đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 11.1 vừa qua. Nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục triệu tập đại hội quá vội vã, tài liệu đại hội không công bố trước cho cổ đông là sai quy định, cả chục ứng viên HĐQT và Ban kiểm soát được ứng cử mà không công bố lý lịch trích ngang cho cổ đông từ trước
Có cổ đông đã phát biểu, cho rằng đại hội triệu tập không hợp lệ. Công ty An Quý Hưng mới trở thành cổ đông của Vinaconex từ ngày 4.12.2018, do đó, chưa đủ điều kiện sở hữu cổ phần phổ thông liên tục ít nhất 6 tháng để yêu cầu HĐQT triệu tập Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Điều lệ công ty. Như vậy, việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 là không phù hợp điều lệ.
Thực tế, đã không ít doanh nghiệp đã từng có giai đoạn đình trệ khi mà nhóm cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung và phủ quyết lẫn nhau như đã từng xảy ra tại Bibica, Vicostone... Điều này khiến cho hoạt động doanh nghiệp gặp khó khăn, lợi nhuận sụt giảm.
Vinaconex trong những năm gần đây hoạt động kinh doanh cũng trì trệ, lợi nhuận theo chiều hướng đi xuống, việc cổ phần hoá với mong muốn có nhân tố mới để tạo động lực cho doanh nghiệp bứt phá. Tuy nhiên, những lùm xùm cổ phần hoá của Vinaconex dường như đã đưa lại kết quả không như mong muốn và nội bộ rạn nứt, mâu thuẫn lợi ích phát sinh. Với một nội bộ bất ổn, tranh giành lợi ích và quyền lực như vậy, tương lai của Vinaconex sẽ ra sao?
Cổ phiếu VCG của Vinaconex trên sàn chứng khoán đã ngay lập tức phản ứng với thông tin này. Đến cuối phiên ngày 28.3, cổ phiếu VCG giảm về mức giá sàn với dư bán 1,8 triệu đơn vị. Thanh khoản cả phiên ở mức cao kỷ lục gần 5 triệu cổ phiếu.
Ngay sau quyết định nói trên, Vinaconex có văn bản khiếu nại gửi Chánh án toà án Nhân dân TP Hà Nội và Chánh án toà Đống Đa. Trong đó, đơn vị này kiến nghị huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp mà cơ quan này vừa ban hành. Đồng thời, Vinaconex yêu cầu các bên liên quan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho tổng công ty và các cổ đông của Vinaconex đối với các tổn thất do ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định dừng khẩn cấp nói trên, bao gồm cả việc giảm giá cổ phiếu sau khi quyết định này được công bố.
Theo Thành Thái (Dân Việt)