Hơn 3 tuần sau khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật thông tin trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước ban hành được triển khai, có tình trạng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng để hỗ trợ cập nhật sinh trắc học cho người dùng.
Ông Lê Hoàng Chính Quang, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước, thông tin thời gian qua xuất hiện một số hình thức lừa đảo liên quan đến việc hỗ trợ xác thực sinh trắc học. Kẻ gian liên hệ khách hàng để dẫn dụ xác thực qua các link (đường liên kết) lạ hoặc trên các ứng dụng (app) lạ…
Từ đó, kẻ gian sẽ có thể chiếm quyền điều khiển điện thoại và thực hiện chuyển tiền trái phép của khách hàng. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản để yêu cầu các tổ chức tín dụng có hướng dẫn, cảnh báo người dân, đồng thời có các giải pháp để xử lý.
Khuyến nghị khách hàng chỉ thực hiện xác thực sinh trắc học thông qua ứng dụng chính thức và website chính thống của ngân hàng thương mại hoặc xác thực tại quầy.
"Tuyệt đối không xác thực sinh trắc học thông qua đường link lạ, app lạ… Đối với điện thoại không cấp quyền trợ năng hay phá khóa điện thoại để sử dụng vì có thể liên quan đến cài đặt quyền điều khiển. Đặc biệt, không cung cấp các thông tin về tài khoản, mật khẩu, mã OTP, Smart OPT cho bất kỳ ai kể cả với nhân viên ngân hàng. Các ngân hàng cũng cần có những bản vá, bản cập nhật để kịp thời xử lý, ngăn chặn các lỗ hổng bảo mật", ông Quang nói.
Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp về kỹ thuật, công nghệ để tăng cường bảo mật, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng từ như: làm sạch tài khoản, áp dụng các biện pháp xác thực mạnh trong giao dịch, chữ ký điện tử, Smart OTP; áp dụng các cơ chế giám sát các giao dịch bất thường để xử lý, ngăn chặn kịp thời…
"Ngân hàng Nhà nước đang thí điểm giải pháp giám sát các tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận, giả mạo đến tổ chức tín dụng. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ báo cáo thông tin nghi ngờ giả mạo của các tài khoản này về Ngân hàng Nhà nước. Nếu xác định bất thường, giao dịch có nguy cơ về gian lận, các tài khoản này sẽ bị chặn hoặc yêu cầu bắt buộc phải xác thực để tiếp tục thực hiện giao dịch", ông Quang nói thêm.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 26,3 triệu khách hàng đã được xác thực sinh trắc học với CCCD gắn chip. Trong đó, có 22,5 triệu khách hàng xác thực qua ứng dụng di động và 3,8 triệu khách hàng thực hiện xác thực tại quầy. Hiện có 37 tổ chức tín dụng đã triển khai xác thực qua ứng dụng mobile và 47 tổ chức tín dụng triển khai xác thực tại quầy.
Theo Thái Phương (Nld.com.vn)