Nợ xấu được quan tâm
Các ngân hàng đua nhau công bố báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm, bên cạnh những con số lợi nhuận “khủng” thì nợ xấu của các ngân hàng cũng được đặc biệt quan tâm. Đầu tiên phải nhắc đến “ông lớn” Vietcombank (VCB), tại thời điểm cuối quý 3/2019, tổng nợ xấu tại Vietcombank đạt 7.625 tỷ đồng, chiếm 1,08% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu của ngân hàng này đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Tổng nợ xấu tăng 1.410 tỷ đồng, tương ứng 22,5% so với hồi đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1% lên 1,08%. Trong tổng nợ xấu, đáng kể nhất là chỉ tiêu nợ dưới tiêu chuẩn tăng 948 tỷ đồng, tương ứng 325% lên 1.241 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa nhiều khoản tín dụng được cấp trong thời gian gần đây không có chất lượng tốt.
Đối với các ngân hàng, vấn đề nợ xấu luôn được chú trọng quan tâm và BIDV cũng không ngoại lệ. Tổng nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn của BIDV là 22.435 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng của BIDV là 1.073.510 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn trên tổng dư nợ tín dụng của BIDV 2,09%.
Báo cáo tài chính riêng lẻ quý 3/2019 của Ngân hàng MB ghi nhận nợ xấu tại thời điểm cuối kỳ tăng từ 1,22% của đầu kỳ lên 1,35% chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gần 390 tỷ đồng lên 1.345 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của KienlongBank tăng từ 0,94% lên 1,07%. Hay tại Ngân hàng OCB, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 50% và nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 152%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của OCB tăng lên mức 2,62% so với mức 2,29% hồi đầu năm.
Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3% bao gồm: ABBank đang có khoản nợ xấu nội bảng là 1.766 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay ở mức 3,39%; trong đó, chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 1.000 tỷ đồng, tăng đến 56% so với đầu năm, cộng thêm dư nợ tăng trưởng âm 0,05% nên càng đẩy tỷ lệ nợ xấu vượt mức an toàn 3%.
Theo đánh giá CTCP Chứng khoán VNDirect, nợ xấu đến từ các khoản đầu tư của tư nhân và vay tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân... Do đó, nợ xấu sẽ tăng nhiều nhất ở các ngân hàng mở rộng mạnh trong mảng bán lẻ, đặc biệt là tài chính tiêu dùng, do hoạt động này rủi ro cao và tăng chậm hơn ở ngân hàng có tiêu chuẩn cho vay khắt khe hơn và việc mở rộng cho vay bán lẻ thận trọng hơn.
Tạo cơ chế để giải quyết nợ xấu
Nghị quyết 42 dù được cho là đưa ra những giải pháp đột phá, nhưng khi triển khai thì mới bộc lộ một số vấn đề như quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, thi hành án, cơ chế thuế áp dụng thiếu đồng nhất tại các địa phương dẫn đến tài sản bảo đảm sau khi thu hồi và đấu giá thành công nhưng lại tiếp tục bị kéo dài thời gian. Do đó, những gì triển khai từ khi thực hiện Nghị quyết 42 đến nay là tích cực, nhưng đừng nghĩ Nghị quyết 42 như “đôi đũa thần” sẽ giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến nợ xấu.
Theo một số chuyên gia thì để giải quyết vấn đề mua bán nợ xấu căn cơ phải hình thành thị trường mua bán nợ. Thị trường này phải có những yếu tố tác động cả cung lẫn cầu và xác định những điểm nghẽn, điểm tắc của thị trường ở đâu. Các cơ quan quản lý cần xây dựng được thị trường hoàn chỉnh để các hoạt động mua bán nợ diễn ra công khai, minh bạch, sôi nổi. Những giải pháp này sẽ giúp quá trình xử lý nợ xấu được thông suốt.
Trong cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu quan điểm xử lý nợ xấu là kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro; tuân thủ quy định pháp luật nhưng có cơ chế thử nghiệm ở những trường hợp đặc thù; phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng (TCTD); bảo đảm an toàn, hiệu quả; đề cao trách nhiệm cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương.
Về phía các TCTD, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng các TCTD phải tuân thủ và thượng tôn pháp luật trong xử lý nợ xấu, không có ngoại lệ; bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn; tăng cường bồi dưỡng phát huy văn hóa doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp; công khai trách nhiệm giải trình với Nhà nước và cộng đồng.
Theo Vân Thư (Nguoitieudung.com.vn)