Xử lý nghiêm những hành vi kinh doanh trục lợi COVID-19

14/02/2020 09:03:37

Trước tình trạng nhiều mặt hàng hóa cần sử dụng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bị làm giả, trục lợi, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm, theo đúng quy định của pháp luật.

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, từ ngày 31/1 đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý 3.999 vụ vi phạm kinh doanh, sản xuất hàng hóa có hành vi trục lợi, lợi dụng dịch COVID-19.

Tính riêng ngày 12/2, lực lượng QLTT cả nước đã tổng kiểm tra 171 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, cở sở sản xuất, tập kết mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn.

Trong đó, có 36 cửa hàng vi phạm đã bị lực lượng chức năng xử phạt hơn 77 triệu đồng.

Xử lý nghiêm những hành vi kinh doanh trục lợi COVID-19
Hình ảnh lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra hoạt động sản xuất khẩu trang giả tại Công ty Việt Hàn, ngày 13/2.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến mới, bên cạnh những đơn vị, cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm chỉnh việc sản xuất sản phẩm chất lượng, niêm yết giá và bán sản phẩm theo giá niêm yết… thì vẫn còn không ít những đơn vị, cá nhân lợi dụng diễn biến dịch và nỗi lo lắng của người dân để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng bán ra cho người tiêu dùng.

Cụ thể, trong ngày 13/2, lực lượng QLTT Hà Nội đã phát hiện công ty TNHH Việt Hàn (ở thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín) đã và đang sản xuất khẩu trang y tế kháng khuẩn có lõi từ giấy vệ sinh (tức giấy dùng trong toilet).

VIDEO: Cận cảnh nơi sản xuất khẩu trang kháng khuẩn bằng... giấy toilet

Mỗi cuộn giấy vệ sinh có trọng lượng 40kg. Số giấy này được nhập từ Bắc Ninh về để đưa vào máy cho chạy vào khẩu trang 4 lớp thay cho lớp vải kháng khuẩn. Lớp giấy vệ sinh này được dùng làm lớp lót giữa (với khẩu trang y tế thật là lớp kháng khuẩn, không bị tan trong nước).

Với số lượng 40kg giấy vệ sinh thì sẽ sản xuất ra khoảng 2 - 3 thùng khẩu trang mang thương hiệu "khẩu trang y tế Tulips", mỗi thùng 50 hộp và mỗi hộp 50 chiếc (tương đương 5.000 - 7.500 chiếc khẩu trang).

Xử lý nghiêm những hành vi kinh doanh trục lợi COVID-19 - 1
Cận cảnh quy trình sản xuất khẩu trang y tế kháng khuẩn từ giấy vệ sinh.
Xử lý nghiêm những hành vi kinh doanh trục lợi COVID-19 - 2
Khẩu trang y tế mang thương hiệu Tulips là sản phẩm của Công ty TNHH Việt Hàn.

Cùng thời điểm, lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh và thanh tra y tế cũng đã kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang thương hiệu Nice Star tại Quận Tân Phú và thu giữ 27.850 chiếc khẩu trang tương đương 557 hộp (loại 50 cái/hộp).

Trao đổi với PV, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết: "Đây là những hành vi lừa dối người tiêu dùng, đưa sản phẩm không đủ chất lượng công bố… lớp kháng khuẩn là để ngăn vi khuẩn mà giờ giá trị kháng khuẩn lại không có thì nguy cơ xâm nhập vào còn nhiều hơn".

Xử lý nghiêm những hành vi kinh doanh trục lợi COVID-19 - 3
Khẩu trang y tế 4 lớp thương hiệu Nice Star bị thu giữ tại quận Tân Phú, TP HCM.

Trong bối cảnh nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm các loại hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế, ông Kiên cho biết, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật để sớm đưa số khẩu trang tịch thu ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.

Đồng thời, Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần hết sức lưu ý khi mua các vật dụng y tế, nhất là đối với mặt hàng khẩu trang. Với các vật dụng liên quan đến sức khỏe, người tiêu dùng nên tìm mua mặt hàng này tại các điểm bán uy tín, tin cậy mà Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã công bố.

Xử lý nghiêm những hành vi kinh doanh trục lợi COVID-19 - 4
Cận cảnh khẩu trang cao cấp 4 lớp bị thu giữ.

Tổng cục QLTT đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng xử lý cương quyết đối với các cơ sở, cá nhân có biểu hiện buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế.

Đồng thời, khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, cảnh giác trước những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng trên các trang mạng xã hội của một số đối tượng nhằm mục đích tạo ra tình trạng khan hiếm giả, phục vụ việc đầu cơ, găm hàng, trục lợi.

Người dân nên chọn mua bán các sản phẩm y tế tại các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Nếu người dân phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật tương tự nêu trên, cần báo ngay cho đường dây nóng của Tổng cục QLTT hoặc hotline của lực lượng QLTT khắp 63 tỉnh, thành của cả nước.

Ngày 13/2, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện Cục QLTT Hà Nội cho biết, trong bối cảnh khan hiếm các loại thiết bị y tế dùng cho việc phòng, chống dịch COVID-19 thì Cục QLTT Hà Nội đã có chủ trương xử lý mới, là sẽ gửi đến các đơn vị chuyên ngành kiểm định lại hàng hóa để đưa ra thị trường phục vụ người dân.

Vị đại diện này cho hay, ngay khi có chủ trương, đơn vị đã tham mưu đến Thành phố để các đơn vị chức năng cùng phối hợp.

Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)

Nổi bật