Áp lực trong tuần cuối tháng 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 20/3 có công điện yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá, xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng.
Thủ tướng cũng yêu cầu không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Từ cuối năm ngoái đến nay, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, đôn đốc NHNN và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.
Trước đó, NHNN cho biết cơ quan này sẽ đưa ra đánh giá và sửa đổi bổ sung cho Nghị định 24 (năm 2012) về quản lý thị trường vàng trong quý I và có những biện pháp để ổn định thị trường này.
Cho tới thời điểm này, chưa rõ NHNN sẽ đưa ra giải pháp nào để ổn định thị trường vàng. Nhưng gần đây tâm lý thận trọng đã xuất hiện trên thị trường vàng. Hoạt động bán chốt lời có xu hướng tăng lên khá nhanh sau khi giá vàng tăng vọt vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, với vàng miếng SJC đạt đỉnh 82,8 triệu đồng/lượng vào ngày 12/3. Còn vàng nhẫn có thời điểm vượt ngưỡng 71 triệu đồng/lượng.
Áp lực bán ra khiến mức chênh với vàng thế giới quy đổi giảm xuống, còn khoảng hơn 16 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng SJC và khoảng 4-5 triệu đồng/lượng đối với vàng nhẫn như hiện tại (tính theo tỷ giá ngân hàng).
Trước đó, có lúc giá vàng miếng SJC cao hơn vàng thế giới 18-20 triệu đồng/lượng.
Mức chênh hiện tại vẫn khá lớn, và giá vàng miếng SJC cũng như vàng nhẫn có thể giảm sâu hơn nữa trong tuần cuối tháng 3 nếu nguồn cung vàng miếng SJC được cải thiện hoặc/và NHNN có thêm những biện pháp ổn định thị trường này.
Giải pháp nào cho thị trường vàng?
Nếu không có gì thay đổi, theo kế hoạch, NHNN sẽ đưa ra các giải pháp vào ngay trong quý I.
Trong vài tháng qua, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đề cập tới. Đó là cho phép nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung; bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC để giảm chênh lệch giá loại vàng này so với giá thế giới. Bên cạnh đó là các giải pháp giảm sức cầu vàng vật chất, trong đó có phương thức giao dịch vàng qua tài khoản.
Có thể thấy, hầu hết các giải pháp được đề xuất hướng tới việc tăng cung và hạn chế cầu vàng vật chất.
Trong nhiều năm qua, cung vàng miếng SJC được đánh giá là ở mức thấp. Lý do là bởi, kể từ năm 2012, vàng miếng SJC do Nhà nước độc quyền sản xuất. NHNN là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Trên thực tế, theo NHNN, từ năm 2014 đến nay, cơ quan này không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông ít.
Cũng vì tình trạng nguồn cung vàng miếng SJC ít, mức chênh giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới quy đổi trong nhiều năm qua ở mức rất cao, thông thường khoảng 10 triệu đồng/lượng. Và gần đây lên tới 16-20 triệu đồng/lượng.
Hồi đầu năm, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN khẳng định Nhà nước không chấp nhận chênh lệch giá vàng với thế giới quá cao cũng như không chấp nhận mức chênh lệch lớn giữa vàng miếng SJC với các loại vàng khác.
Như vậy, giải pháp tăng nguồn cung có thể được tính đến.
Tuy nhiên, ở vào thời điểm hiện tại, việc sử dụng USD để ồ ạt nhập khẩu vàng có thể không phải là lựa chọn tốt nhất, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND gần đây tăng khá mạnh. Hơn thế, lãi suất đồng USD trên thế giới ở mức cao, còn ở Việt Nam lãi suất qua đêm đang thấp hơn nhiều, chỉ khoảng trên dưới 1%/năm.
Về hạn chế sức cầu, hồi giữa tháng 3, NHNN chi nhánh TPHCM đề xuất xem xét, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế việc thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt.
Một giải pháp cũng được nhiều chuyên gia đề xuất đó là việc thành lập sàn giao dịch vàng như công cụ điều hòa cung-cầu vàng. Đây là một giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi có sàn giao dịch vàng thì mọi thứ sẽ công bằng và rõ ràng hơn. Việc đầu cơ vàng cũng sẽ hạn chế vì các hành vi đầu cơ, làm giá sẽ dễ dàng bị phát hiện và truy tố trước pháp luật.
Theo nhiều chuyên gia, sàn giao dịch vàng có thể phát triển theo từng giai đoạn. Ban đầu là vàng vật chất, sau đó đến vàng tài khoản. Những giao dịch lớn về vàng phải thực hiện ở trên sàn.
Giao dịch vàng trên tài khoản có thể giúp người tham gia vào thị trường dễ đưa quyết định sáng suốt hơn khi có thêm thông tin về giao dịch. Bên cạnh đó, nó giúp hạn chế việc nhập vàng tiêu tốn ngoại tệ.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)