Ngoài xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong đầu tư, vận hành, khai thác các dự án thua lỗ, Bộ Công Thương còn cho biết, ngoài 12 dự án đã công bố sẽ tiếp tục rà soát các dự án có nguy cơ kém hiệu quả kinh tế.
Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong số 12 dự án thua lỗ đã công bố, tới thời điểm hiện nay có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ, 3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn, 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn.
Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án hơn 43 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên trên 63 nghìn tỷ đồng. Đề cập đến phương án xử lý, Bộ trưởng Công Thương cho biết, trong năm 2017, các chủ đầu tư dự án phải giải quyết dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc tại các dự án, đặc biệt là vướng mắc với các nhà thầu tại các hợp đồng EPC của dự án.
Đề xuất phá sản Cty công nghiệp tàu thủy Dung Quất
Với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên có ba phương án được đưa ra: Bán dự án; kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn và thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu. Tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi, phương án được đề xuất lựa chọn là thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại nhà máy. Bộ Công Thương cho biết, các cơ quan đơn vị đã phối hợp với Tổng Cty Thép Việt Nam và Hội đồng quản trị Cty CP gang thép Thái Nguyên hoàn tất việc rút 1.000 tỷ đồng vốn góp của Tổng Cty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khỏi dự án.
Tương tự, đối với Dự án Nhà máy đầu tư sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ, có ba phương án được đưa ra. Phương án đầu tiên là khởi động lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn. Về phương án này được thực hiện với hai kịch bản: Hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất kinh doanh xơ PSF trong 2 năm và sau đó thoái vốn hoặc tự vận hành sản xuất kinh doanh. Phương án 2 là chủ đầu tư (PVTex) sẽ chuyển nhượng công ty và cuối cùng là cho phá sản công ty theo luật định. Khi lựa chọn phương án xử lý, Bộ Công Thương loại trừ phương án 3 – cho phá sản và đề xuất thực hiện theo hai phương án đầu tiên.
Đối với Cty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), cũng có 3 phương án được xem xét bao gồm: Chuyển đổi sở hữu Cty DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ; phá sản Cty DQS và phương án 3 là tiếp tục tái cơ cấu Cty DQS. Bộ Công Thương đề xuất ưu tiên lựa chọn phương án 2, cho phá sản, tuy nhiên, có xem xét đến phương án chuyển đổi sở hữu. Nếu lựa chọn phương án phá sản thì PVN sẽ mất ít nhất khoảng 5 nghìn tỷ đồng.
Bộ Công Thương đưa ra phương án khởi động lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn tại Nhà máy polyester Đình Vũ. |
Không để kéo dài gây hệ lụy
Theo Bộ trưởng Công Thương, đối với tất cả các dự án nêu trên, mục tiêu, nguyên tắc chung trong chỉ đạo xử lý là xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp xử lý để sớm chấm dứt tình trạng thua lỗ, hoặc hạn chế tối đa thiệt hại cho nhà nước. Qua đó, trong năm 2017 sẽ hoàn thành phương án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Phấn đấu đến hết năm 2018 tạo được chuyển biến căn bản trong xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án. Đặc biệt, sẽ phải xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, vận hành, khai thác các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, trên cơ sở đó hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh quan điểm kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, nhà nước không tiếp tục cấp thêm tiền vào các dự án. Đồng thời, tập trung thực hiện tái cơ cấu các dự án, ưu tiên các phương án bán, chuyển nhượng, thoái vốn, xem xét thực hiện phá sản/giải thể các doanh nghiệp, dự án không có điều kiện phục hồi. Đặc biệt, kiên quyết xử lý các dự án, không để kéo dài gây hệ lụy cho nền kinh tế nhưng phải trên nguyên tắc thận trọng, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước, người lao động, an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, môi trường.
“Ngoài việc rà soát 12 dự án nêu trên, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát các dự án đầu tư trong ngành có nguy cơ kém hiệu quả kinh tế, từ đó có giải pháp phù hợp, kịp thời để tránh thiệt hại cho Nhà nước, tạo hiệu quả và đóng góp tích cực vào phát triển chung của kinh tế đất nước” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh |
Theo Thành Nam (Tiền Phong)