Những sản phẩm mang tên VBL sẽ tiếp tục lưu thông trên thị trường trong nửa đầu năm 2017 đều có chất lượng đồng nhất với sản phẩm mang tên mới Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam.
Cơ cấu tổ chức quản lý và mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyền sở hữu đối với các nhãn hiệu bia Heineken, Tiger, Larue, BGI, Bivina, Desperados, Affligem và nước táo lên men Strongbow Cider cũng được giữ nguyên.
Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (VBL) được thành lập vào năm 1991 là công ty liên doanh giữa Công ty TNHH Heineken Châu Á Thái Bình Dương (HAP) có trụ sở chính tại Singapore và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA).
Với mức lợi nhuận khổng lồ hàng năm 4,1 nghìn tỉ đồng và nộp ngân sách 12,6 nghìn tỉ đồng của VBL, dư luận đang đặt dấu hỏi phải chăng đối tác nước ngoài trong liên doanh này đang muốn thâu tóm cổ phần của Satra và bước đi đầu tiên là xóa sổ thương hiệu bia Việt Nam?
Còn nhớ năm 2012, Heineken đã chi 6,3 tỉ USD để mua lại 40% cổ phần của tập đoàn Fraser & Neave (F&N) Singapore trong Asia Pacific Breweries (APB) - một trong những hãng bia lớn nhất Đông Nam Á và là nhà sản xuất bia Tiger.
Theo số liệu của Euromonitor, hơn 80% thị phần toàn thị trường bia Việt Nam hiện nằm trong tay của 3 doanh nghiệp là Sabeco, VBL (nay là Heineken) và Habeco.
Trong đó riêng Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chiếm hơn 40% thị phần. Nếu như Sabeco vẫn là vua của phân khúc phổ thông thì VBL vẫn dẫn đầu ở phân khúc cao cấp.
Về lượng tiêu thụ bia của người Việt Nam, nếu như năm 2010, lượng tiêu thụ ở mức 6,6 lít/người/năm, giai đoạn 2003 - 2005 là 3,8 lít/người/năm, thì dự báo đến 2025, con số này sẽ tăng lên 7 lít/người/năm.
Như vậy chỉ sau 7 năm, từ vị trí thứ 8 ở châu Á (vào năm 2008) về mức tiêu thụ bia thì đến năm 2015 Việt Nam đã trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về mức tiêu thụ bia và đứng thứ 3 châu Á. Đây là lý do để Heineken xác định Việt Nam là thị trường quan trọng thứ 2 của tập đoàn này.
Theo Duy Khánh (Cafebiz.vn/Trí Thức Trẻ)