Xóa nợ DNNN, không cẩn thận xóa nợ sai đối tượng, thậm chí còn gây tâm lý ỉ lại, làm ăn gian dối, chạy chọt, xin cho.
Theo đề xuất của ông Phúc, có mấy trường hợp được xem xét xóa nợ như sau:
Thứ nhất, đối với DNNN. Chỉ được xem xét xóa nợ với trường hợp là nhà nước nợ DN. Người ta nói nhiều tới câu chuyện nợ đọng xây dựng cơ bản, địa phương, bộ ngành nợ doanh nghiệp. Nhà nước đã có công trình rồi, doanh nghiệp đã phải bỏ vốn rồi thì Nhà nước phải thanh toán càng nhanh càng tốt, vậy mới cứu được doanh nghiệp và đây cũng là trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp DN đã bàn giao cả nhiều năm vẫn chưa đòi được vốn.
DN Không được hoàn vốn kịp thời, không có vốn quay vòng, đầu tư tiếp dẫn tới những khó khăn, bế tắc trong kinh doanh, phát triển. Khó khăn thì không có tiền trả lương, không có tiền đóng thuế. Không có tiền ắt phải nợ đọng. Nợ sẽ bị phạt vì chậm nộp thuế, đồng thời còn bị phạt tiền lãi của khoản chậm nộp thuế đó nữa. Trong khi, DN phải đi vay ngân hàng, trả lãi để để tư. Như vậy là nợ chồng nợ, lãi chồng lãi. Khó khăn, nợ đọng là phải.
Những trường hợp như vậy, nhà nước cần phải xem xét xóa nợ thuế cho họ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp tục làm ăn, phát triển.
Ông Phúc kể, có những câu chuyện mà khi đi giám sát thực tế đoàn đã thấy bất hợp lý và nhiều lần có ý kiến. Ví dụ, trường hợp nhà nước nợ doanh nghiệp thì có thể nhôi nhai một vài năm không trả, cũng không sao. Thậm chí, còn không tính lãi suất. Nhưng doanh nghiệp nợ nhà nước không những bị bêu tên, cưỡng chế, thậm chí còn bị phạt tiền chậm nộp thuế; bị tính lãi suất trả chậm. Tức là sự bất bình đẳng đã được hình thành ngay từ người đề ra chủ trương và thực thi chủ trương đó. Không có được sự công bằng giữa DN và nhà nước.
Từ thực tế này dẫn tới hệ lụy là gì? Xuất hiện hiện tượng tự thanh toán chéo cho nhau. Ví dụ, tỉnh nợ doanh nghiệp vốn đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp nợ địa phương tiền thuế. Hai bên gán nợ cho nhau, trừ vốn vào thuế. Hoặc, ngân sách trung ương rót về cho địa phương để đầu tư, phát triển hạ tầng, thì địa phương lại sử dụng khoản ngân sách này để trả nợ cho doanh nghiệp khác. Vì thế, mới có câu chuyện, nguồn lực đầu tư không đúng chỗ, lãng phí nguồn lực trong khi nợ đọng chỉ đơn giản chuyển từ tay người này sang túi người khác. Không giải quyết triệt để được vấn đề.
Thứ hai, là trường hợp bất khả kháng. Bất khả kháng ở đây phải hiểu là do những nguyên nhân như thời tiết, thiên tai; do thay đổi chính sách; do tác động của suy thoái nền kinh tế chung… và bao gồm cả DNNN lẫn cả DN tư nhân. Nếu chứng minh được những nguyên nhân thua lỗ, nợ đọng là do yếu tố khách quan thì cũng nên xem xét xóa nợ cho DN phát triển.
Hoặc, với những DNNN vừa phải đảm đương nhiệm vụ chính trị vừa đảm đương nhiệm vụ xã hội. Tron trường hợp, xác định được thua lỗ, nợ đọng do đầu tư cho xã hội, những lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực mạo hiểm hay những vùng sâu, vùng xa… thì có thể đưa vào diện được xem xét xóa nợ thuế.
Thứ ba, theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh mới có quy định về tỉ lệ phân phối lợi nhuận giữa nhà nước và DNNN có vốn góp của nhà nước.
Tức là, nhà nước được thu một phần lợi nhuận sau thuế của DN để đảm bảo lợi ích của Nhà nước từ việc đầu tư vốn vào DN, chỉ để DN giữ lại một phần cho đầu tư phát triển; sử dụng một phần lợi nhuận sau thuế trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động và quỹ thưởng đối với người quản lý DN.
Việc phân phối lợi nhuận cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong chủ động cân đối nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tái đầu tư mở rộng. Trong trường hợp này, có thể xem xét điều chỉnh tỉ lệ phân phối lợi nhuận giữa nhà nước và doanh nghiệp để tạo điều kiện cho những DN này phát triển. Tuyệt đối không phải là xóa nợ thuế.
Khó loại trừ tiêu cực
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Phúc lưu ý, khi ban hành một chính sách chung, đối tượng áp dụng là tất cả các thành phần kinh tế trên cả nước. Thu thuế cũng phải theo chính sách chung, nộp thuế cũng là chính sách chung vì vậy xóa nợ thuế cũng phải là chính sách được áp dụng chung cho các đối tượng ở mọi khu vực.
Không có một quy định nào trong luật thuế có điều khoản quy định riêng cho DNNN, hay chỉ ưu tiên ưu, ưu đãi riêng cho DNNN. Vì vậy, để một chủ trương khi ban hành có thể tạo ra được hiệu ứng tốt, đem lại những tác động tích cực tới nền kinh tế, bắt buộc phải có tính minh bạch, bình đẳng, công bằng. Đòi hỏi một quy trình hết sức chặt chẽ.
Theo ông, ngay trong cơ chế, chủ trương đã khó loại bỏ được yếu tố tiêu cực. Tiêu cực ngay ở bản thân doanh nghiệp, tiêu cực ở chính sách và tiêu cực cả ở người thực thi chính sách. Vì thế, nếu chỉ là xóa nợ giữa DN với DN thì rất đơn giản. Nhưng xóa nợ giữa DNNN với nhà nước thì cần phải xem xét thận trọng. Xác định nguyên nhân thua lỗ với DNNN thế nào? Thua lỗ là do nhà nước hay do DNNN? Nguyên nhân có chính đáng không? Rất khó. Bởi lẽ, câu chuyện DNNN lâu nay vốn dĩ vẫn được bao bọc, nâng đỡ thì việc yêu cầu có một cách đối xử công bằng rất khiến dư luận nghi ngờ.
Nếu là những doanh nghiệp làm ăn chính đáng nhưng gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan thì chủ trương xóa nợ chính là tác nhân hỗ trợ trực tiếp, giúp doanh nghiệp kịp thời hồi sinh. Tuy nhiên, nếu không xem xét kỹ lưỡng, không có cơ chế giám sát chặt chẽ, không kiểm soát được cơ chế xin – cho thì một chủ trương đúng có khi lại mang lại tác dụng ngược. Không những xóa nợ sai đối tượng, thậm chí còn gây tâm lý ỉ lại, làm ăn gian dối, chạy chọt, xin cho.
Ông Đinh Văn Nhã - Ủy ban Tài chính Ngân sách, Quốc hội cho rằng, đề xuất xóa nợ cho một số DNNN đã được Bộ Tài chính có ý kiến từ năm ngoái, nhưng chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện.
Theo ông Nhã, có thể đây là những khoản nợ khó đòi, không thể đòi được nên Bộ Tài chính mới đề xuất xóa nợ. Tuy nhiên, để làm được việc này, Bộ Tài chính cần phải có nghị quyết trình Quốc hội. Sau khi được QH thông qua, Bộ Tài chính mới có cơ sở để thực hiện.
Theo đó, những doanh nghiệp nằm trong diện được xem xét xóa nợ cần phải chứng minh thua lỗ là do yếu tố khách quan; nợ do kinh tế giảm sút; do tác động từ chính sách gây đình đốn, doanh nghiệp không có nguồn thu, trả. Dựa trên những xem xét cụ thể, QH sẽ quyết định.
Đối với những nguyên nhân chủ quan như cố tình chây ì, làm ăn gian dối, thiếu trung thực, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm và bắt buộc phải thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Không thể có tình trạng bợ đỡ, bao bọc.
Theo ông Nhã, việc xóa nợ cho các doanh nghiệp chỉ nhằm mục đích làm trong sạch, minh bạch bảng cân đối tài chính, kế toán. Với chủ trương này rõ ràng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Nhưng bản thân ông cũng phải thừa nhận, trong cơ chế hiện hành vẫn còn nhiều vấn đề và không thể tránh khỏi những nghi ngại của dư luận về lợi ích nhóm, cơ chế xin–cho. Vì vậy, điều đầu tiên ông Nhã nhấn mạnh là yếu tố minh bạch trong thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, phải có các cơ quan chức năng kiểm tra chi tiết, cụ thể từng khoản, từng đồng, từng loại thuế… các cơ quan nghiệp vụ phải làm việc rất nghiêm túc, công tâm.
Ông Nhã cho biết, để hạn chế được tình trạng này đòi hỏi phải có cơ quan giám sát chặt chẽ.
>> Đề xuất xóa khoảng 10.000 tỉ đồng nợ thuế: Ưu ái DN nhà nước?
Theo Vũ Lan (Đất Việt)