Bộ Tài chính đề nghị xóa hơn 10.000 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế, trong đó có phần nợ thuế của DNNN. PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện kinh tế Việt Nam cho rằng điều này không nên.
Chia sẻ với nỗi lo của Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải khi yêu cầu phải cân nhắc, làm rõ việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước, vị chuyên gia đặt câu hỏi: Ai xóa nợ, xóa nợ gì và DNNN nào sẽ được xóa nợ?
Vị PGS nhấn mạnh, nếu không thận trọng, xóa nợ sẽ thành tiền lệ và cứ làm ăn thua lỗ, yếu kém rồi lại xóa nợ thì hòa cả làng. Cho rằng, chỉ Việt Nam mới có những đề xuất xin xóa nợ kiểu như vậy, vị chuyên gia nói thẳng đó là đề nghị đi ngược với nguyên lý hoạt động chung của nền kinh tế, không nên được khuyến khích.
Ông nhấn mạnh, DNNN hay doanh nghiệp tư nhân hoạt động phải tuân thủ các quy tắc kinh doanh cũng như các quy định của pháp luật. Như vậy, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đóng thuế của mình.
Nếu theo nguyên tắc này, việc đề xuất xóa nợ thuế, đặc biệt là xóa nợ thuế cho các DNNN là vô lý.
Theo vị chuyên gia, ngay từ điểm xuất phát giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân đã không có được sự bình đẳng vốn có.
DNNN là khu vực được phát triển dựa trên nền tảng ưu đãi, ưu tiên rất lớn về cả cơ chế chính sách lẫn về nguồn lực đầu tư.
Lẽ ra với những nguồn lực ưu đãi như vậy DNNN phải làm ăn hiệu quả hơn nhiều so với những khu vực khác. Tuy nhiên, do vấn đề quản lý yếu kém, do có lợi ích nhóm thao túng, dẫn dắt dẫn tới những thất thoát, mất vốn, nợ nần chồng chất.
"Xin xóa nợ thuế cho DNNN là một bằng chứng rõ nhất cho thấy khu vực này làm ăn không hiệu quả, nhận nhiều ưu đãi nhưng không đóng góp được gì cho ngân sách.
Như thế cũng có nghĩa nhà nước đã mất rất nhiều lần, mất các khoản ưu đãi, mất nguồn thu và còn mất luôn cả khoản đóng góp thuế, phần trách nhiệm tối thiếu mà doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện với xã hội.
Nếu sòng phẳng, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì phải đóng thuế nhiều, doanh nghiệp thua lỗ phải tự vay tiền để nộp cho ngân sách. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ, doanh nghiệp phải rất sòng phẳng trong việc này", PGS Lê Cao Đoàn nói.
Quay trở lại với đề nghị của Bộ Tài chính, PGS Lê Cao Đoàn lo ngại sẽ lại tiếp tục nảy sinh cơ chế xin - cho. Trong trường hợp không xác định được rõ những loại thuế nào nên được xóa, doanh nghiệp nào phải xóa, xóa vì lý do gì thì cuối cùng ngân sách lại thất thu còn một số người thì có cơ hội "béo" thêm.
Lấy ví dụ ở lĩnh vực khai thác khoán sản, PGS Lê Cao Đoàn cho biết, đây là lĩnh vực chỉ đào lên rồi bán doanh nghiệp hầu như không mất gì.
Nếu theo nguyên tắc, doanh nghiệp phải mua lại quyền khai thác, kinh doanh từ nhà nước và khi thực hiện khai thác, kinh doanh cũng phải thực hiện trách nhiệm đóng thuế đầy đủ.
Nếu xóa nợ thuế cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này sẽ là rất nguy hiểm vì như vậy là mất tất cả, mất cả tài nguyên, mất cả thuế.
Do đó, PGS Lê Cao Đoàn cho rằng, vướng mắc trong thu - nộp thuế cần thực hiện dựa trên cơ sở pháp lý. Ông lưu ý, trong tất cả các luật về kinh doanh, luật thuế có tính răn đe cao nhất. Ở nước ngoài, các lý do nợ thuế, trốn thuế đều không được phép chấp nhận. Các doanh nghiệp phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Việt Nam cũng cần phải theo các tiêu chuẩn của thế giới. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng chức năng, không nộp thuế phải đưa ra tòa để giải quyết.
Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của những cá nhân, cơ quan thực thi pháp luật trong lĩnh vực thuế.
"Có hay không hiện tượng tiêu cực, bắt tay để doanh nghiệp chây ì, trốn, nợ thuế? Các cơ quan thuế đã làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình hay chưa? Và ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước số tiền hàng nghìn tỉ tiền nợ đọng thuế hiện nay?", PGS Lê Cao Đoàn đặt vấn đề.
Theo Thái Bình (Đất Việt)