Hiệp hội chế biến thủy sản đề nghị Big C không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016 và điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống 15% hoặc thấp hơn.
VASEP cho biết, trong thời gian vừa qua, một số hệ thống siêu thị lớn có sự thay đổi chủ dẫn tới thay đổi nhân sự và hoạt động chưa ổn định đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của cả siêu thị lẫn doanh nghiệp sản xuất cung cấp hàng.
Doanh nghiệp thủy sản kêu khó với mức tăng chiết khấu quá cao của Big C. Ảnh: DN. |
Để chuẩn bị cho các hợp đồng mới, tháng 3 và 4/2016 vừa qua, một số siêu thị, trong đó có Big C, đã gửi thư đến các doanh nghiệp đề xuất tăng chiết khấu. Mức đưa ra kha cao, thêm 4,25-5% khiến hầu hết các doanh nghiệp đều thấy quá khó khăn cho việc cân đối làm sao vẫn hợp tác với Big C vẫn có thể sống sót và được một chút lợi nhuận để tái đầu tư.
VASEP nhận định, bối cảnh sản xuất – kinh doanh hàng hóa đặc thù này đang có chi phí sản xuất ngày càng tăng cao. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp thành viên đang hợp tác với Big C với tổng mức chiết khấu cao hơn 15%, trung bình là 17-20%, thậm chí có doanh nghiệp đến 25%. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP thì đây là những mức rất cao mà doanh nghiệp chắc chắn sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư.
Vì vậy, VASEP đề nghị Big C không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016 này và điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống 15% hoặc thấp hơn.
Cuối tháng 4/2016, Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã vượt qua một loạt các đối thủ lớn trong lĩnh vực bán lẻ để mua lại Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino của Pháp, giá trị thương vụ khoảng 1,04 tỷ USD, tương đương 23.300 tỷ đồng.
Trước đó, Metro Cash & Carry cũng được chuyển nhượng từ doanh nghiệp Đức về tay người Thái. Theo một chuyên gia marketing, việc tăng mức chiết khấu và làm khó hàng hóa của doanh nghiệp Việt vào siêu thị là cách để hàng ngoại, đặc biệt là hàng Thái Lan tràn vào hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài này.
Theo Phương Diệp (Zing.vn)