Xếp hàng nửa ngày mua chiếc áo giảm giá: Cơn cuồng hàng hiệu

08/01/2018 08:11:58

Các thương hiệu thời trang từ bình dân tới cao cấp, thương hiệu thức ăn nhanh, đồ uống, chuỗi bán lẻ, rạp chiếu phim,... gần đây đổ bộ vào hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM. Năm 2017 đánh dấu bước phát triển của ngành bán lẻ khi các tên tuổi toàn cầu xâm nhập thị trường Việt Nam.

Rầm rộ mở rộng

Tháng 11, tại Hà Nội, hàng nghìn khách hàng đã xếp hàng từ rất sớm, có bạn trẻ đứng chờ gần nửa ngày để trở thành người đầu tiên mua quần áo của H&M khi nhãn hiệu này chính thức bước chân ra thị trường phía Bắc. Cách đó ít lâu, Zara cũng đã khai trương trung tâm mua sắm với hàng nghìn mét vuông và nhiều loại sản phẩm tại Vincom Bà Triệu.

Mặc dù chỉ là hàng bình dân, nhưng Zara và H&M lại có sức hút rất lớn với các tín đồ thời trang trong nước. Bằng chứng cho thấy cảnh tượng nườm nượp xếp hàng thanh toán không chỉ ở Hà Nội và TP.HCM cũng không kém.

Uniqlo dự định sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam thời gian tới. Trong khi đó, Stripe International, công ty thời trang Nhật Bản, đã chuẩn bị hoàn tất thương vụ mua lại Công ty cổ phần Thời trang NEM.

Xếp hàng nửa ngày mua chiếc áo giảm giá: Cơn cuồng hàng hiệu
Nhãn


Dân Việt cuồng hàng thương hiệu ngoại
Trước đó, hàng loạt thương hiệu thời trang quốc tế từ bình dân đến cao cấp như Topshop, Mango, Gap, Giordano, Old Navy, Coast, Karen Millen, Miss Selridge, Giovanni,... cũng đã đổ bộ vào Việt Nam.

Sau hơn 3 năm có mặt tại Việt Nam, McDonald's, thương hiệu ăn nhanh “Bắc tiến”, đánh dấu sự có mặt của mình tại Hà Nội và thị trường miền Bắc. Trước giờ mở cửa, rất đông người đã xếp hàng chờ thưởng thức các món ăn của thương hiệu thức ăn nhanh đến từ Mỹ này.

Sau bao nhiêu ngày chờ đợi thì cuối cùng, cửa hàng đầu tiên của thương hiệu 7-Eleven đã chính thức khai trương tại Việt Nam. Hàng dài những bạn trẻ đã có mặt trước 7-Eleven từ tận 6-7h sáng chỉ với mong muốn được làm một trong những khách hàng đầu tiên được check-in tại cửa hàng này.

Ở lĩnh vực giải trí, công ty CJ CGV Việt Nam (CGV) của Hàn Quốc gần đây đẩy mạnh đầu tư ở thị trường tỉnh lẻ. Theo kế hoạch, công ty dự kiến mỗi năm xây 12-15 cụm rạp mới, trong đó có 4-5 cụm ở các tỉnh xa. Dự kiến đến cuối năm 2017, công ty sẽ vận hành 55 cụm rạp trên cả nước, bao gồm ở các tỉnh như Yên Bái, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long...

Số liệu mới nhất, Việt Nam đã có 148 thương hiệu quốc tế nhượng quyền thành công tại Việt Nam. Trong đó ngành thực phẩm và đồ uống vẫn chiếm ưu thế với một loạt các thương hiệu nổi tiếng đang hoạt động thành công tại Việt Nam như KFC, Lotteria, Jollibee, Pizza Hut, Burger King, Starbucks, McDonald’s, Domino’s Pizza, Popeye’s Chicken, Texas Chicken hay Coffee Bean & Tea Leaf,...

Trong một ngày không xa, nhiều tên tuổi khác cũng sẽ có mặt tại Việt Nam. Walmart là tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới. Hiện Walmart đã đặt trụ sở tại đường Đồng Khởi. Thời gian này họ đang nghiên cứu thị trường trong vài năm trước khi chính thức mở siêu thị.

IKEA sắp tới cũng chắc chắn sẽ có mặt tại Việt Nam. Tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới đã có mặt chính thức tại Úc, Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và Đài Loan.

Thị trường đẻ trứng vàng

Với lĩnh vực thời trang, các thương hiệu ngoại có sức hút lớn đối với người tiêu dùng trong nước. Đó là một vài lý do để các hãng thời trang nhanh của nước ngoài ồ ạt đổ bộ vào thị trường tiềm năng Việt Nam thời gian qua. Chỉ sau một năm khai trương cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM, doanh thu của Zara Việt Nam hiện nằm trong top 5 cửa hàng bán tốt nhất toàn cầu của hãng này.

Còn H&M nhận định, Việt Nam là một thị trường đang trên đà phát triển và có tiềm năng cao trong ngành thời trang, xếp thứ 68 trên toàn cầu và là thị trường thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á của H&M.

Xếp hàng nửa ngày mua chiếc áo giảm giá: Cơn cuồng hàng hiệu - 1

Nghiên cứu của Statistics Portal - một công ty nghiên cứu thị trường của Đức dự báo doanh thu thời trang của Việt Nam năm 2017 có thể đạt 358 triệu USD vào năm 2017. Doanh thu dự kiến cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2017-2022 là 22,5%.

Kết quả khảo sát gần đây của hãng Niesel cho thấy mức chi tiêu dành cho quần áo của người Việt hiện đứng thứ 3, chỉ sau chi tiêu dành cho thực phẩm và tiền tiết kiệm. Đáng chú ý, số lượng người Việt mê hàng hiệu đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo dự báo của VF Franchising, thị trường nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 20% đến 25% trong năm 2017. Với hơn 95 triệu người, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh trên thế giới. Các nhà nhượng quyền đã nhìn thấy những cơ hội đáng kể trong chi tiêu của người tiêu dùng ở Việt Nam đặc biệt trong ngành thực phẩm và đồ uống.

Trong khi đó, đại diện một công ty truyền thông cho rằng, dân số Việt Nam gấp đôi Hàn Quốc nên ngành công nghiệp chiếu phim có rất nhiều dư địa để phát triển trong thập kỷ tới.

So với các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Hàn Quốc,... một người dân có thể xem phim bốn lần trong năm, thì con số này ở Việt Nam chỉ là 0,2. Do vậy, tiềm năng thị trường còn lớn.

Sự có mặt của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam mở ra cơ hội cho người tiêu dùng trong nước, đồng thời nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ quốc tế. Tuy nhiên, điều này cũng gây áp lực cho các đơn vị trong nước, nếu không đủ sức cạnh tranh, họ sẽ bị đào thải ngay trên sân nhà.

Theo Duy Anh (VietNamNet)

Nổi bật