Xe khách từ Sài Gòn đi miền Trung 'cháy vé', dân lo sốt vó

11/01/2019 10:47:25

Hiện các nhà xe đều thông báo “cháy vé” từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Trung từ 22-28 tháng Chạp. Những người dân quê miền Trung đứng ngồi không yên, đợi xe tăng cường dịp Tết.

Sau khi biết chính xác lịch nghỉ Tết của công ty rơi vào ngày 27 Âm lịch, chị N.Khánh - một nhân viên văn phòng tại quận 3, TP.HCM, lập tức liên hệ nhà xe quen đặt vé về Đà Nẵng. Tuy nhiên, hãng này đã báo hết sạch vé từ tuần trước.

Ám ảnh cảnh tìm vé xe về quê ăn Tết như những năm trước, chị gọi tiếp 3 nhà xe khác đang khai thác chặng này nhưng đều nhận được những cái lắc đầu vì hết vé.

Cháy vé những ngày cao điểm

Không riêng chị Khánh, thời điểm này, khi chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều người lao động làm việc tại TP.HCM đang đau đầu về việc tìm vé xe về quê sum họp gia đình.

Dù có nhiều hãng xe khách cùng khai thác và cho biết sẽ tăng cường chuyến để phục vụ đợt di chuyển này, hiện hầu hết đã thông báo “cháy vé” những ngày cao điểm từ rất sớm.

Xe khách từ Sài Gòn đi miền Trung 'cháy vé', dân lo sốt vó
Nhiều hãng xe đã "cháy vé" những ngày cao điểm Tết từ 22-29 tháng Chạp Âm lịch. Ảnh: P.M.

Ghi nhận của Zing.vn trưa 10/1 tại bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), các hãng khai thác tuyến miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Yên đều khá đông người mua vé Tết.

Tuy nhiên, khi hỏi vé từ 23-28 tháng Chạp, nhiều người phải lẳng lặng ra về sau nhận được những cái lắc đầu của nhân viên. Trong khi đó, chỉ những người có nhu cầu đi lại trong ngày hoặc không phải vé Tết thì mới giao dịch thành công.

Nhân viên bán vé của nhà xe Phúc Thuận Thảo khai thác tuyến miền Trung cho biết vé từ TP.HCM đi Đà Nẵng từ 22-29 Tết đều hết sạch từ rất sớm, chỉ sau khi hãng vừa mở bán. Trong khi đó, ở những chặng còn lại của miền Trung như Quy Nhơn, Phú Yên chỉ còn rất ít ghế cuối xe vào ngày 25 và 29 Tết.

“Sau khi hỏi mua vé về Đà Nẵng vào ngày 25 Tết, nhân viên liền báo hết vé. Tôi dời sang 23 Tết, sau khi kiểm tra sổ, cô cũng cho hay không còn. Nhân viên nói trước thời gian này thì còn nhưng tôi chưa chủ động sắp xếp thời gian được”, một người mua vé không thành công tại bến xe miền Đông nói.

Tại đây, các hãng có tên tuổi khai thác lâu năm các tuyến đi miền Trung như Phương Trang, Chín Nghĩa, Thu Cúc… đều thông báo cháy vé những ngày cao điểm. Trong khi đó, những ngày trước 22 Âm lịch hoặc sau 28 Tết vẫn còn ít ghế và dần đang được lấp đầy bởi nhiều người tranh thủ đặt.

Tương tự, hiện các chuyến về khu vực Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai… cũng còn rất ít vé trong những ngày cao điểm, đa phần vé còn lại đều nằm cuối xe.

Nỗi khổ khi mua vé online

Ngoài mua vé trực tiếp tại quầy, bến xe, năm nay, nhiều hãng đã chủ động mở bán vé online để tạo điều kiện cho tất cả khách hàng. Tuy nhiên, theo phản ánh, việc mua vé trực tuyến cũng nhọc nhằn không kém.

Vì trông vào hình thức bán vé tưởng chừng linh hoạt này mà nhiều người đến nay phải ngậm ngùi vì chưa có vé xe về quê ăn Tết. Quá lo lắng, họ gọi đến quầy bán vé trực tiếp thì các nhân viên thông báo hết vé hoặc chỉ áp dụng bán online.

Xe khách từ Sài Gòn đi miền Trung 'cháy vé', dân lo sốt vó - 1
Việc đặt vé về quê theo hình thức online cũng không dễ dàng với người lao động. Ảnh chụp màn hình.

Bắt đầu mở bán vé online từ ngày 25/12, đến nay, hãng xe Phương Trang đã tăng cường thêm 3 đợt nữa dành cho những chặng dài miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Yên, Quãng Ngãi… nhưng nhiều người vẫn chưa thể giao dịch thành công.

“Thường năm tôi vẫn chọn Phương Trang để về Phú Yên vì mức giá cao điểm Tết cũng không quá đắt đỏ nhưng năm nay đành bó tay. Theo dõi thường xuyên thông tin của hãng này và túc trực trên máy tính đặt vé 3 lần rồi mà tôi đều thất bại”, anh Q.Minh, một người quê Tuy Hòa (Phú Yên), cho hay.

Anh Minh phàn nàn hệ thống đặt vé của hãng chập chờn và “có vấn đề” bởi khách có thể thấy ghế trống nhưng sau khi điền thông tin giao dịch và bước thanh toán cuối cùng lại được thông báo: “Ghế/giường đã được đặt bởi người khác, vui lòng thử lại ghế/giường khác”.

“Bình thường, thay vì xếp hàng chờ mua vé Tết thì thời buổi công nghệ, ngồi trước máy tính rồi nhấp chuột liên tục cả ngày, không dám làm thêm bất cứ việc gì, đến khi hệ thống trơn tru thì hệ thống báo hết sạch vé. Không riêng tôi đâu, đã có rất nhiều phàn nàn vì bị tương tự”, anh Minh nói.

May mắn hơn anh Minh, chị H.Hà đã đặt mua được vé về Quy Nhơn của một hãng xe theo hình thức online. Tuy nhiên, đến nay, chị vẫn chưa nhận được vé. Chị cho hay đã thanh toán thành công và được gửi mã vé, nhân viên hãng cho biết đến ngày đi, chị chỉ cần cầm mã này là được lên xe.

Trong khi đó, hiện website của một số hãng xe bán vé online cũng đã “tê liệt”, khách hàng không thể truy cập để biết thêm thông tin cũng như giao dịch.

Nỗi lo càng cận Tết, giá vé xe càng tăng

Thời điểm này, nhiều người đã bắt đầu tỏ ra nôn nóng vì chưa mua được vé xe về quê ăn Tết trong khi các hãng đều đã khóa sổ những ngày cao điểm.

Đại diện bến xe miền Đông cho biết Tết Kỷ Hợi năm nay, dự kiến lượng khách sẽ tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung nhiều nhất từ 22-28 Âm lịch.

Xe khách từ Sài Gòn đi miền Trung 'cháy vé', dân lo sốt vó - 2
Các hãng xe khai thác tại bến xe miền Đông đã dán giấy thông báo hết vé về miền Trung những ngày cận Tết. Ảnh: P.M.

Theo ông Kiều Thanh Nam, mức giá vé xe phục vụ Tết Nguyễn Đán năm nay cao hơn ngày thường từ 20-60%, tùy thời điểm trước, cận, trong và sau Tết. Hiện các hãng khai thác tại bến xe miền Đông cũng đã áp dụng bán vé với giá Tết cho hành khách.

“Điều tôi lo lắng nhất là càng gần Tết thì giá vé xe sẽ đắt hơn nữa. Theo quy định thì tăng 60% nhưng năm nào cũng vậy, ít nhất cũng tăng giá gấp đôi. Càng gần Tết thì càng tăng cao, còn phải chen chúc, nằm ngồi ở các lối đi của xe”, anh Thắng - một người quê Phú Yên chưa mua được vé, than thở.

Anh cho biết hiện vẫn đang hy vọng một số hãng uy tín tăng cường chuyến những ngày giáp Tết để có cơ hội về quê mà không phải mua vé chợ đen hoặc từ những người nhượng lại trên mạng với giá đắt đỏ nhưng không hiếm trường hợp là vé giả.

Theo thông tin từ bến xe miền Đông, ngoài việc đưa vào khai thác khoảng 14.300 lượt xe cho 406.000 khách, bến xe miền Đông còn tăng cường nhiều xe ủy thác, xe hợp đồng để phục vụ.

Các chuyến tăng cường này đều là ghế ngồi mà không phải giường nằm như nhiều hãng khai thác. Vé xe được chia làm 2 hạng khác nhau. Cụ thể, vé đi Đà Nẵng có giá 800.000 đồng và 720.000 đồng; Quảng Ngãi là 620.000 đồng và 560.000 đồng; Bồng Sơn 580.000 đồng và 510.000 đồng; Quy Nhơn 540.000 đồng và 480.000 đồng.

Hiện quầy bán vé ủy thác các chuyến đi miền Trung này đã mở từ ngày 5/1 nhưng sức mua không quá đông. Nhiều khách hàng băn khoăn khi chọn các đơn vị này vì lo ngại chất lượng xe, phục vụ, giá cả nên vẫn tiếp tục chờ các hãng lớn có thương hiệu tăng cường xe.

Theo Phúc Minh (Tri Thức Trực Tuyến)