Đường tắc do cao ốc vây quanh
Mặc dù có đường trên cao nhưng thực tế, tuyến đường vành đai 3 đoạn từ Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển thường xuyên tắc đường vào giờ cao điểm. Thời gian gần đây, tình trạng này diễn ra liên tục, ngay cả ngoài giờ cao điểm. Hai nút giao thông quan trọng của tuyến đường này là Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến và Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển.
Hình ảnh hàng trăm chiếc xe ô tô và xe máy chen nhau, nhích từng bước vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều không còn là chuyện hiếm. Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi là hai trục đường chính kết nối trung tâm với quận Hà Đông, bên cạnh đó điểm lên xuống đường trên cao nằm trên trục đường này gây ra ùn tắc. Với quá nhiều điểm mở, giao cắt đường bên dưới, vành đai 3 đã vô tình tạo cho mình những nút thắt cổ chai trở thành điểm nóng ùn tắc giao thông.
Chưa kể tới các dự án bất động sản ở khu vực lân cận như Trung Hoà Nhân Chính, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân hay Trung Văn cũng kết nối với tuyến đường chính này, gây áp lực lớn về hạ tầng giao thông. Cứ vào những ngày cuối tuần, nghỉ lễ tết khi dòng người đổ về Hà Nội thì vành đai 3 lại tắc nghẽn nghiêm trọng.
Theo đồ án Thiết kế đô thị Hai bên đường Vành đai 3, tỷ lệ 1/500 đoạn đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển được phê duyệt có chiều dài khoảng 4,22km tại một số khu vực được phép xây dựng công trình cao tối đa tới 50 tầng.
Theo quyết định phê duyệt, phân chia đoạn tuyến đường thiết kế thành 5 khu vực gồm: nút Trung Hòa; đoạn đường Khuất Duy Tiến; nút Thanh Xuân; đoạn đường Nguyễn Xiển; nút Tôn Thất Tùng kéo dài.
So với các đoạn trên vành đai 3, các dự án bất động sản tuyến Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển cũng khá dày đặc. Điểm đầu Khuất Duy Tiến có thể kể tới dự án Thăng Long number 1, Vinaconex 1, Tân Hoàng Minh,...
Đoạn Nguyễn Xiển có các dự án lớn như Ecogreen City, The Manor Central Park của Bitexco,... Khu đô thị Đại Kim, Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ quy mô hàng nghìn căn hộ do Mường Thanh và Vinaconex 2 làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều dự án đang rục rịch khởi động, dự kiến thời gian tới sẽ tung ra nguồn hàng lớn.
Nếu theo dự án cải tạo chung cư cũ, có thể những tòa nhà cao 10-20 tầng sẽ tiếp tục mọc lên, cư dân cũ, cư dân mới cùng tụ sẽ thành bài toán dân số mà Hà Nội khó có thể giải quyết được.
Điểm nóng quá tải
Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ là một trong những dự án là điểm nóng về tình trạng quá tải. Năm 2010, KĐT này được TP. Hà Nội cấp phép cho Công ty CP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2) làm chủ đầu tư, với mục tiêu xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và các công trình nhà ở.
Sau khi được cấp phép, Vinaconex 2 đã chia dự án thành 2 giai đoạn thực hiện, trong đó lô CT2 có diện tích khoảng 28.373m2, Vinaconex 2 làm chủ đầu tư diện tích đất 14.584m2. Phần còn lại 13.802m2 Vinaconex 2 đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản).
Theo quy hoạch được duyệt, các tòa nhà này chỉ được phép xây dựng cao tối đa 20 tầng, nhưng các cơ quan chức năng đã điều chỉnh cho phép DN xây dựng tòa A cao 45 tầng, tòa B cao 45 tầng, tòa C cao 36 tầng, các tòa D1 cao 36 tầng, D2 cao 40 tầng.
Bốn toà do đại gia Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư được bán hết nhanh chóng trong bối cảnh thị trường các căn hộ giá rẻ đang sôi động, với việc thiết kế diện tích linh hoạt từ 45-73m2. Các căn hộ mở bán với giá 11-13 triệu đồng/m2 và tiền chênh từ 50-70 triệu đồng/căn.
Tuy nhiên, không ít người dân đang phải tháo chạy bởi quá tải khu vực này. Một tầng hầm chỉ có sức chứa khoảng 4.000 xe máy nhưng nay số xe lên đến 6.000, chưa kể ô tô. Do đó, khu vực hầm xe thường xuyên bị ùn ứ, các xe va quẹt nhau. Một phần diện tích sân chơi đã buộc phải trưng dụng làm bãi đỗ xe nổi của khu chung cư.
Tình trạng thiếu chỗ đỗ xe ô tô luôn là vấn đề bức bối tại đây. Hiện nhiều cư dân đang rao bán cắt lỗ, mức giá chào bán trung bình 24 triệu đồng/m2.
Một dự án cũng đình đám ở khu vực này là The Manor Central park của Bitexco. Dự án này tích hợp nhiều chức năng như khu dân cư, khu thương mại, khu văn phòng, trường học và các khu vui chơi, giải trí, thể thao. Với diện tích gần 90 ha cùng 100 ha công viên, chủ đầu tư đang xây dựng phần liền kề và chưa có thông tin mở bán.
Năm 2016, Bitexco và Tập đoàn Mitsubishi đã ký kết thành lập Liên doanh để phát triển dự án. Bitexco nắm giữ 55% cổ phần và Tập đoàn Mitsubishi nắm giữ 45% cổ phần. Hai bên sẽ cùng hợp tác để phát triển 240 căn hộ thấp tầng và 2 tòa nhà chung cư cao tầng.
Gần đây nhất, dự án the Eden Rose gồm 52 căn biệt thự có diện tích từ 130-300m2 và 181 căn liền kề gây sốt trên thị trường. Chủ đầu tư dự án là Liên danh Công ty CP đầu tư bất động sản Thanh Trì và Công ty CP Đầu tư phát triển công nghệ Điện tử - Viện thông. Trong đó, Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Thanh Trì thuộc tập đoàn dược phẩm Vimedimex.
Mặc dù chưa chính thức được chào bán ra thị trường, nhưng các lô đất tại dự án đã được một số nhân viên môi giới chào bán với mức giá từ 55-60 triệu/m2 và nhận đặt cọc giữ chỗ là 100 triệu đồng.
Có thể nói, với nguồn cung tiếp tục tăng, thời gian tới, tuyến đường vành đai 3 có thể quá tải là điều không tránh khỏi. UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình lên Thường trực HĐND TP về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 dưới thấp, đi bằng cầu qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối từ cầu cạn Vành đai 3 xuống bán đảo Linh Đàm.
Theo Duy Anh (VietNamNet)