Thủ tướng yêu cầu giảm giá cước vận tải trước Tết |
Trước diễn biến tình hình giá xăng dầu trong nước giảm 2 lần sâu liên tiếp, đa số hiện nay doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước tương đối phù hợp với mức điều chỉnh giảm giá xăng dầu. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô chưa kê khai giảm cước. Với trường hợp quá thời hạn mà không giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu, doanh nghiệp có thể sẽ bị phạt tiền từ 20- 25 triệu đồng.
Theo Bộ Tài chính, cước vận tải hàng không nội địa được điều chỉnh giảm 15% so với mức trần liền kề quy định từ cuối năm 2011.
Với cước vận tải đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh giảm 10% giá vé tất cả các loại chỗ. Trong khi đó, theo báo cáo của 38/63 địa phương, giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm trung bình từ 0,92%-26,32% (phổ biến giảm từ 3-10%).
Giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm trung bình từ 3-21,7% (phổ biến giảm từ 5-10%). Tỷ lệ giảm giá của các doanh nghiệp có sự chênh lệch do: đối với các đơn vị giữ ổn định giá cước đã kê khai từ năm 2011-2012 không điều chỉnh giá hoặc tỷ lệ điều chỉnh trên dưới 1%.
Đối với các đơn vị kê khai giá từ năm 2013, tỷ lệ giảm trên dưới 10%; đối với các đơn vị đã điều chỉnh tăng giá trong năm 2014 (giai đoạn giá xăng dầu tăng), tỷ lệ giảm giá sâu hơn, trên dưới 20%.
Về khai thác dầu thô, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) phấn đấu đạt cao nhất kế hoạch được giao. Tuy nhiên, PVN cần bám sát tình hình giá dầu thô trên thị trường thế giới để điều hành việc khai thác dầu thô trên nguyên tắc không để lỗ và hạch toán cụ thể đến từng mỏ.
Theo Cao Phong (Nguoitieudung.com.vn)