Theo quyết định của Chính phủ, bắt đầu từ 1-1-2018, xăng sinh học E5 chính thức thay thế hoàn toàn cho xăng RON 92. Như vậy, trên thị trường còn hai loại xăng là xăng E5 và xăng A95.
Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng (NTD) vẫn còn băn khoăn về chất lượng, độ an toàn, lợi ích… của xăng E5. Để giải đáp những thắc mắc cụ thể của bạn đọc liên quan đến xăng E5, hôm qua (4-1), báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Xăng E5 và những điều cần biết”.
Sử dụng E5 hoàn toàn giống A92
Bạn Nguyễn Duy Dũng (27 tuổi, Đồng Nai) đặt câu hỏi: Liệu xăng E5 có thích hợp dùng cho mọi loại động cơ như xe số, xe tay ga và mô tô?
Đáp lời, PGS-TS Huỳnh Quyền, Phó Trưởng ban Khoa học và công nghệ ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định: “Hầu hết động cơ sử dụng nhiên liệu xăng A92 đều có thể sử dụng được nhiên liệu E5. Do vậy xe số, xe tay ga và mô tô nếu sử dụng được A92 thì sẽ sử dụng được E5”.
Bạn đọc Trần Thanh Nga (quận 8, TP.HCM) bày tỏ lo ngại xăng E5 sinh học bị “ngậm nước”. Nếu xăng gặp nước, lượng cồn trong xăng sẽ hút nước, làm giảm hiệu suất của xăng. Hơn nữa, với khí hậu độ ẩm không khí cao ở Việt Nam, nhất là TP.HCM thường xảy ra tình trạng ngập nước nên có thể dẫn đến những rủi ro với động cơ xe.
Trước lo ngại này, PGS-TS Huỳnh Quyền nhìn nhận việc lo ngại khả năng hấp thu nước của nhiên liệu sinh học E5, E10 là hoàn toàn có cơ sở do bản thân ethanol có khả năng hấp thu nước từ môi trường. Tuy nhiên, việc pha chế và lưu trữ nhiên liệu sinh học E5 hiện nay phải tuân theo các quy định trong bộ tiêu chuẩn QCVN đối với nhiên liệu sinh học. Điều này làm giảm được khả năng hấp thu nước của E5.
“Theo các nghiên cứu gần đây nhất của chúng tôi, tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, quá trình hấp thu nước của hai loại nhiên liệu E5, E10 trong quá trình lưu trữ ở điều kiện khí hậu TP.HCM là có xảy ra. Tuy nhiên, với thời gian lưu trữ 90 ngày, hai loại nhiên liệu này đều hoàn toàn đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định để sử dụng thay thế A92. Không có hiện tượng tách nước, tách pha do hàm lượng nước có trong nhiên liệu” - TS Quyền nhấn mạnh.
Cũng theo TS Quyền, việc xe ngập nước như bạn đọc đề cập thì dù trong trường hợp sử dụng A92 hay E5 một khi nước vào bình nhiên liệu thì đều phải thay thế và xúc.
Một số bạn đọc băn khoăn lâu nay nghe nhiều thông tin xăng E5 dễ gây cháy nổ nên phân vân khi sử dụng loại xăng này. Giải đáp câu hỏi này, PGS-TS Huỳnh Quyền giải thích: Việc sử dụng E5 hoàn toàn giống A92. Việc pha 5% cồn nhiên liệu vào xăng gốc để sản xuất E5 không thay đổi nhiều về đặc trưng kỹ thuật của nhiên liệu A92. Do vậy, sử dụng E5 hoàn toàn như A92.
“Về bản chất, cồn nhiên liệu có thể gây ăn mòn. Tuy nhiên, với 5% cồn theo các nghiên cứu và thực tế loại nhiên liệu này không gây ra hiện tượng ăn mòn hay nóng máy khi sử dụng” - TS Huỳnh Quyền khẳng định.
Tuy vậy, cũng theo TS Quyền, việc pha 5% cồn nhiên liệu làm tăng khả năng chống kích nổ so với nhiên liệu A92 thông thường. Do vậy, trong trường hợp nếu nhà sản xuất khuyến cáo sử dụng A95 thì nên sử dụng A95 để phù hợp với động cơ xe.
Kiểm soát cây xăng để chống móc túi
Bạn đọc tên Hoàng Công Tâm đặt vấn đề: “Ai sẽ kiểm tra, kiểm soát, lấy mẫu các loại xăng để đánh giá chất lượng xăng E5?”. Về vấn đề này, ông Phạm Đăng Tín, Trưởng phòng Kiểm tra Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM, khẳng định: Mỗi lô hàng nhập khẩu của các đầu mối đều được kiểm tra chất lượng. Nếu đạt yêu cầu doanh nghiệp mới được phép nhập khẩu và đưa vào lưu thông.
Cũng lo ngại về chất lượng xăng, bạn đọc Trần Ngân Thương nói các đại lý, cây xăng có thể lợi dụng chủ trương của Nhà nước để pha chế tạp chất vào xăng E5 nhằm trục lợi, đặc biệt chuyện các cây xăng “ma mãnh” bán thiếu cho khách lâu nay bị phát hiện khá nhiều. Do đó, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này để NTD không còn lo bị móc túi công khai nữa.
Xung quanh vấn đề này, đại diện Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM thừa nhận để xử lý vấn đề này còn nhiều khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp móc túi khách hàng bằng cách bán tròng số (bán người này rồi bán tiếp cho người khác, không trả về số 0). Hành động này mang tính chất gian lận thương mại chứ không phải sai số do cột đo.
Để ngăn chặn tình trạng trên, chi cục kiểm tra chất lượng xăng dầu thường xuyên. Ngoài ra, TP còn có các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra xăng… Nếu cảm thấy có nghi vấn hoặc cảm thấy có các hợp chất lạ hoặc chỉ số octan thấp, chúng tôi sẽ mang về thử nghiệm và xử lý ngay.
“Hiện nay, nghị định xử phạt mang tính răn đe cao, bằng hình thức phạt tiền, tịch thu phương tiện đo đồng thời tước giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện kinh doanh 1-3 tháng và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp” - ông Phạm Đăng Tín cho biết thêm.
Xe hư do E5 có thể kiện ra tòa
Độc giả Hoàng Xuân Nguyên ở Tây Ninh hỏi: “Nếu đổ xăng E5 mà bị hỏng hóc xe, NTD phải khiếu nại đến đâu và cách thức khiếu nại như thế nào để được giải quyết bồi thường?”.
Về vấn đề này, luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM, khuyến nghị khi sử dụng xăng E5 mà có sự cố hỏng xe thì khách hàng phải chứng minh nguyên nhân của sự cố là do xăng E5 gây ra.
Trước hết khiếu nại nơi đổ xăng để nơi đây thông báo cho nhà cung cấp và nhà cung cấp sẽ phải lấy mẫu xăng kiểm nghiệm. Nếu chất lượng xăng không đúng như đã công bố thì tùy theo mức độ thiệt hại, người mua xăng có thể yêu cầu nhà sản xuất bồi thường.
Nếu như nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp không giải quyết được trong giai đoạn thương lượng với NTD thì NTD có thể đến nhờ văn phòng giải quyết khiếu nại Hội Bảo vệ quyền lợi NTD để tiến hành hòa giải theo luật.
“Trong trường hợp vẫn không hòa giải được, NTD sẽ tiến hành khởi kiện tại tòa án với những chứng cứ thiệt hại cụ thể” - luật gia Phan Thị Việt Thu chia sẻ.
Không cần phải thay đổi động cơ
Mới đây báo chí có đưa tin Phòng Thương mại ô tô Úc (FCAI) đã đưa ra khuyến cáo về loại xăng E5 và liệt kê một loạt mẫu xe không phù hợp với xăng E5. Trong số đó có khá nhiều loại xe đời cũ tương đồng với các phương tiện đang lưu hành rộng rãi tại Việt Nam. Vậy các chủ của những xe này tuyệt đối không được dùng xăng E5 hay sao?
PGS-TS Huỳnh Quyền trả lời: Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và góc độ chuyên môn thì việc sử dụng nhiên liệu sinh học E5 hoàn toàn tương thích với động cơ nhiên liệu xăng và không cần phải thay đổi bộ phận nào của động cơ. Do vậy, những công bố mà bạn nêu trên cần phải được kiểm chứng.
Kiến nghị giảm giá xăng E5
Ông Võ Lê Bích Đồng, Phó phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM, thừa nhận hiện nay giá bán giữa xăng E5 thấp hơn A95 là 1.040 đồng/lít nên vẫn chưa kích thích NTD đổ xăng E5. Do vậy Sở Công Thương đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan nâng mức chênh lệch giá bán giữa xăng E5 và A95 lên từ 1.500 đến 2.000 đồng.
Theo Tú Uyên (Pháp Luật TP.HCM)